Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam thu hút sự quan tâm của chúng tôi

Đình Hiệp lược ghi| 05/10/2012 05:37

(HNM) - Từ ngày 23 đến 26-9, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) Tadashi Okamura dẫn đầu đoàn 120 nhà lãnh đạo của 100 công ty, tập đoàn hàng đầu Nhật Bản sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh. Trả lời phỏng vấn báo chí nhân chuyến thăm này, ông Tadashi Okamura cho biết:


Với 1.290 nghìn DN thành viên, JCCI cũng như Chính phủ Nhật Bản luôn khuyến khích các DN đầu tư ra nước ngoài. Trong đó, Việt Nam là một địa chỉ được các nhà đầu tư DN Nhật Bản quan tâm. Đây là lý do vì sao JCCI có chuyến khảo sát lớn tại Việt Nam. Mặc dù kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn do tác động chung của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng các DN Nhật Bản vẫn kỳ vọng vào sự phát triển của Việt Nam trong một hai năm tới.


- Việt Nam và Nhật Bản đã hợp tác rất tích cực trong ngành công nghiệp phụ trợ, vì sao đến nay ngành này của Việt Nam vẫn chưa phát triển?

- Đây là lĩnh vực rộng, các DN Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến hai ngành là ô tô và điện tử. Thực tế ở Việt Nam hiện chỉ mới nhập khẩu linh kiện về lắp ráp là chủ yếu, mà chưa sản xuất được linh kiện trong nước. Việc sản xuất linh kiện cho hai ngành này đòi hỏi công nghệ cao, trong khi các DN Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực này chủ yếu là DN vừa và nhỏ. Các DN vừa và nhỏ hiện chiếm tới 99,7% tổng số thành viên của JCCI và họ chưa có nhiều kinh nghiệm đầu tư tại Việt Nam. Một trong những điểm yếu của các DN này là thiếu thông tin và vốn. Chính phủ Nhật Bản đang có chính sách hỗ trợ về vốn để họ đầu tư ra nước ngoài. Một trong những nhiệm vụ của chúng tôi là giúp họ đầu tư nhiều hơn nữa vào ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam. Các DN này cũng hy vọng sẽ nhận được lời khuyên và sự giúp đỡ từ phía Việt Nam để đầu tư một cách hiệu quả và sản phẩm của họ được người dân Việt Nam chấp nhận.

- Đây có phải là sự chuyển hướng đầu tư của các DN Nhật Bản và cũng là mục đích chính trong chuyến thăm Việt Nam lần này của JCCI?

- Khi nói đến đầu tư ra nước ngoài của các DN Nhật Bản thường có hai dạng gồm: DN tìm kiếm địa điểm có nguồn nhân lực dồi dào và rẻ để sản xuất rồi xuất khẩu ra thị trường khác và DN tìm thấy điểm hấp dẫn ở thị trường mà họ muốn đầu tư để bán sản phẩm ở chính thị trường này. Xét về điểm này, Trung Quốc, Việt Nam hay Myanmar đều có điểm chung là có quy mô tiềm năng và thế mạnh về nguồn nhân lực và nhân công rẻ. Trong chuyến khảo sát tại Việt Nam lần này, chúng tôi nhận thấy thị trường Việt Nam có nhiều điểm thu hút các DN Nhật Bản.

- Theo ông, làm thế nào để Việt Nam thu hút được nhiều nhà đầu tư Nhật Bản hơn nữa, đặc biệt trong ngành công nghiệp phụ trợ?

- Qua các cuộc gặp, hội kiến với các nhà lãnh đạo Việt Nam trong chuyến thăm, chúng tôi nhận thấy quyết tâm cao của Việt Nam trong việc đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản; nhất là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại và đầu tư. Hiện có hơn 1.000 DN Nhật Bản đang đầu tư và làm ăn tại Việt Nam. Điều này cho thấy mối quan tâm của các DN Nhật Bản với Việt Nam ngày càng tăng. Trên cương vị Chủ tịch JCCI, tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy hợp tác đầu tư kinh tế thương mại Nhật - Việt thời gian tới. Bản ghi nhớ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và JCCI trong chuyến thăm là cơ sở để hai bên thúc đẩy hợp tác, đặc biệt khi hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2013.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam thu hút sự quan tâm của chúng tôi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.