Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển nguồn thủy điện và cải cách thị trường điện

Lan Hương| 19/03/2014 13:46

(HNMO) – Tỷ trọng thủy điện trong cơ cấu nguồn của Việt Nam hiện nay tương đối lớn lên tới khoảng 40% và dự kiến đạt tương ứng khoảng 36% và 25% vào các năm 2015 và 2020...

Hội thảo có sự tham dự của bà Monica Maeland, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Na Uy; ngài Đại sứ Stale Torstein Risa Na Uy tại Việt Nam…

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho biết: Năng lượng hiện là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia. Tại Việt Nam, mức tiêu thụ năng lượng năm 2013 khoảng 57 triệu tấn dầu qui đổi (Mtoe) và dự báo mức tiêu thụ năng lượng sẽ tiếp tục gia tăng ở mức cao, khoảng 7% mỗi năm trong giai đoạn 2010-2020 và xấp xỉ 5% trong giai đoạn 2020-2030.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện, mặc dù có chậm lại do ảnh hưởng chung của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng từ 12%-15% trong giai đoạn 2011-2020 và khoảng 10% trong giai đoạn 2021-2030.

Việt Nam có nguồn tài nguyên năng lượng phong phú như than, dầu khí, thủy điện và năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, các nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt, các nguồn thủy điện lớn đã được khai thác gần hết. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu điện ngày một gia tăng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững, Việt Nam đang thực hiện các biện pháp mang tính chiến lược như: tăng cường đầu tư các cơ sở sản xuất năng lượng; giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch bằng cách đa dạng hóa việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng; tập trung khai thác các nguồn năng lượng tái tạo sẵn có và phát triển điện hạt nhân; tích cực tìm kiếm và gia tăng trữ lượng các nguồn dầu, khí thiên nhiên cũng như đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ứng dụng công nghệ phát thải thấp…

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cân đối sử dụng các nguồn tài nguyên, trong đó có việc khai thác hiệu quả thủy điện và cải cách thị trường điện.

Thủy điện Sơn La.



Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét tới năm 2030, Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, đưa tổng công suất các nguồn thủy điện từ 14.000MW hiện nay lên 21.300MW vào năm 2020; nghiên cứu đưa nhà máy thủy điện tích năng vào vận hành phù hợp với sự phát triển của hệ thống điện nhằm nâng cao hiệu quả và tối ưu vận hành của hệ thống.

Năm 2020, thủy điện tích năng dự kiến có tổng công suất 2.400MW, nâng lên 5.700 vào năm 2030. Hiện nay, phần lớn các nguồn năng lượng thủy điện cơ bản đã được khai thác hết, Việt Nam đang đẩy mạnh khai thác các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ; tối ưu vận hành các nhà máy thủy điện trên cùng bậc thang thủy điện để đạt tối đa khả năng khai thác. Bên cạnh đó, Việt Nam từng bước phát triển thị trường điện cạnh tranh, đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh điện.

Tỷ trọng thủy điện trong cơ cấu nguồn của Việt Nam hiện nay tương đối lớn lên tới khoảng 40% và dự kiến đạt tương ứng khoảng 36% và 25% vào các năm 2015 và 2020. Vì vậy, công tác vận hành hệ thống điện sẽ phải đối mặt với những khó khăn và thách thức liên quan tới công tác quản lý, phối hợp hài hòa và vận hành tối ưu các nhà máy thủy điện, đặc biệt là các nhà máy thủy điện trên cùng bậc thang nhằm đáp ứng các mục tiêu phát điện, tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống lũ hạ du đồng thời đáp ứng các tiêu chí liên quan tới môi trường.

Trong khi đó, các đại biểu đánh giá, Na Uy là một quốc gia có tiềm năng thủy điện lớn trên thế giới. Trong liên minh Châu Âu, điện năng sản xuất từ thủy điện của Na Uy luôn đứng đầu với sản lượng hàng năm lên tới 120 TWh, chiếm trên 95% tổng điện năng tiêu thụ tại Na Uy. Với năng lực, trình độ công nghệ, kinh nghiệm xây dựng, vận hành và bảo dưỡng các nhà máy thủy điện từ nhiều năm qua của Na Uy… các thông tin liên quan tới lĩnh vực thủy điện mà các đối tác Na Uy mang tới hội thảo lần này có ý nghĩa to lớn trong việc tìm ra các giải pháp dài hạn đối với các vấn đề thủy điện mà Việt Nam đang phải đối mặt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển nguồn thủy điện và cải cách thị trường điện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.