Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam sẽ sử dụng nhiều biện pháp để bảo vệ chủ quyền

Hải Hà| 27/05/2014 06:03

(HNM) - Ngày 27-5, đoàn nghị sĩ Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ sẽ làm việc với phía Việt Nam về vấn đề tăng cường thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ; tìm hiểu chủ trương của Việt Nam đối với việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.



Thông tin trên được Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng chia sẻ bên hành lang Quốc hội ngày 26-5.

- Trọng tâm chương trình làm việc của đoàn nghị sĩ Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ với Quốc hội Việt Nam là gì, thưa ông?

- Nội dung dự kiến gồm nhiều vấn đề, trong đó có tăng cường thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ. Đoàn nghị sĩ Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cũng muốn tìm hiểu thái độ, chủ trương của Việt Nam đối với việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông; việc triển khai thực hiện Hiến pháp (sửa đổi năm 2013), đặc biệt là vấn đề nhân quyền. Chắc chắn, cuộc trao đổi, đối thoại này là cơ hội để hai bên hiểu nhau hơn.

Lực lượng Kiểm ngư giám sát mọi hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa thiêng liêng của Tổ quốc.


- Vấn đề giải quyết tranh chấp trên Biển Đông sẽ được đề cập như thế nào?

- Về vấn đề này, chúng ta đã nhận được một số phản ứng tích cực từ Mỹ, đặc biệt là từ Chủ tịch Thượng viện Mỹ và các nhóm nghị sĩ. Trong cuộc làm việc sắp tới, Việt Nam vẫn giữ quan điểm là dùng nhiều biện pháp để bảo vệ chủ quyền. Hiện nay, không phải nghị sĩ nào của Mỹ cũng nắm được thông tin chính xác về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Do đó, chúng tôi sẽ cung cấp cho họ cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền, để họ có cái nhìn khách quan và phản đối những hành động xâm phạm chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông.

- Tuần tới, Việt Nam sẽ chính thức tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc, vậy chúng ta tham gia vào những hoạt động gì và ở mức độ nào, thưa ông?

- Hiện, ta có quyết định cử hai sĩ quan liên lạc tham gia phái bộ gìn giữ hòa bình quốc tế ở Sudan (Châu Phi - PV). Hai sĩ quan này sẽ làm nhiệm vụ liên lạc giữa các tổ, đội của phái bộ Liên hợp quốc.

- Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam có dự tính cử nhiều hơn cán bộ tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc không?

- Nếu tham gia với lực lượng lớn hơn thì phải có nghị quyết của Quốc hội. Xin thông báo với các bạn rằng, tham gia ở quy mô nào phụ thuộc vào trình độ lực lượng của ta. Một khi đã tham gia, tất nhiên phải có kế hoạch, lộ trình đào tạo bồi dưỡng theo yêu cầu của Liên hợp quốc để chứng tỏ rằng chúng ta tham gia là đóng góp cho công cuộc gìn giữ hòa bình. Trong chương trình xây dựng pháp luật, dự kiến tại kỳ họp cuối năm 2014, Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc này. Còn hiện tại, các cơ quan thuộc Chính phủ, trực tiếp là các bộ Ngoại giao, Quốc phòng và Công an đang phối hợp xây dựng đề án.

- Ông có thể cho biết cộng đồng quốc tế đánh giá thế nào trước sự kiện trên?

- Cộng đồng quốc tế rất hoan nghênh. Điều này cũng cho thấy vai trò và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao. Bạn bè quốc tế tin tưởng Việt Nam sẽ đóng góp tích cực, đáp ứng các yêu cầu đề ra.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam sẽ sử dụng nhiều biện pháp để bảo vệ chủ quyền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.