(HNMO) - Đó là thông tin được đưa ra tại buổi làm việc giữa Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (Polyvac) - Bộ Y tế và các chuyên gia JICA diễn ra chiều 8-11.
Các cán bộ kỹ thuật đang làm việc trong dây chuyền sản xuất vắc xin Sởi-Rubella |
Polyvac đã sản xuất thành công vắc xin phối hợp phòng bệnh sởi-rubella (MR). Bộ Y tế Việt Nam cũng vừa thông qua kết quả thử nghiệm lâm sàng cho văcxin MR với đánh giá an toàn, hiệu quả cho người sử dụng. Đây là vắc xin MR đầu tiên được chuyển giao công nghệ sản xuất thành công tại Việt Nam, trong khuôn khổ dự án “tăng cường năng lực sản xuất vắc xin phối hợp sởi - rubella” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ. Dự án được Polyvac bắt đầu triển khai từ tháng 5-2013 với tổng ngân sách khoảng 700 triệu yên Nhật.
Ông Nguyễn Đăng Hiền, Giám đốc Polyvac cho biết, tính từ thời điểm bắt đầu triển khai hoạt động đến tháng 10/2016, đơn vị chuyển giao công nghệ phía Nhật Bản là Công ty TNHH Kitasato Daiichi Sankyo Vaccine (KDSV) đã cử 197 lượt chuyên gia Nhật Bản sang chuyển giao công nghệ cho Polyvac và tiếp nhận 36 lượt cán bộ của Polyvac sang học tập công nghệ tại nhà máy của Công ty ở Nhật Bản.
Thời gian tới, Polyvac sẽ hoàn thành các thủ tục liên quan đến cấp phép lưu hành sản phẩm, để có thể cung cấp vắc xin MR cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, phục vụ tiêm miễn phí cho trẻ em Việt Nam dự kiến từ năm 2017.
Theo các chuyên gia y tế, sởi và rubella là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây nên. Bệnh rubella ở trẻ thường nhẹ, ít biến chứng.
Tuy nhiên, hậu quả để lại với phụ nữ mang thai lại vô cùng nặng nề. Nếu người mẹ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây sảy thai, thai chết lưu, hội chứng rubella bẩm sinh và nhiễm rubella ở trẻ sinh ra. Hội chứng rubella bẩm sinh bao gồm các dị tật tim, đục thủy tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển, đái tháo đường ở trẻ sơ sinh, vàng da, xuất huyết, xương thuỷ tinh…, nhiều trẻ mắc đa dị tật.
Năm 2016, Việt Nam đã đánh dấu mốc quan trọng trên bản đồ các quốc gia sản xuất vắc xin khi tự sản xuất được vắc xin MR chất lượng cao ứng dụng công nghệ Nhật Bản. Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào là 1 trong 25 quốc gia sản xuất được vắc xin trên thế giới và là nước thứ 4 tại Châu Á có thể sản xuất vắc xin MR sau Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc.
Ông Nguyễn Đăng Hiền cho rằng, việc Việt Nam sản xuất được vắc xin MR có ý nghĩa cộng đồng rất lớn. Nhờ đó, Việt Nam sẽ chủ động nguồn vắc xin để phòng chống dịch bệnh.
Theo đó, trẻ sẽ được tiêm mũi sởi đơn vào thời điểm 9 tháng. Vào tháng thứ 18, trẻ được sẽ tiêm mũi sởi – rubella. Việc đưa văcxin sởi-rubella vào tiêm miễn phí cho trẻ nhằm giảm số mắc và tiến tới loại trừ bệnh sởi vào năm 2017, sau đó là bệnh rubella. Trước đó, chỉ có văcxin sởi được tiêm miễn phí trong chương trình, rubella được tiêm theo hình thức dịch vụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.