Hoạt động xuất khẩu vẫn giữ nhịp tăng trưởng, song ngay trong tháng đầu tiên của năm 2019, nhập siêu đã quay trở lại.
Doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất ngay từ tháng đầu năm. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Xuất khẩu điện thoại giảm
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tháng 1-2019 ước đạt 20 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng cuối cùng của năm 2018 nhưng giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 6,42 tỷ USD, tăng 7,8% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,58 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng chú ý, xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 2,85 tỷ USD, giảm 27,5%. Tương tự, nhóm điện tử, máy tính và linh kiện cũng giảm 5%, trong khi máy ảnh, máy quay phim giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước.
"Việc xuất khẩu nhóm điện thoại và linh kiện giảm là nguyên nhân chính kéo xuất khẩu trong tháng 1 chậm lại", đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Tuy vậy, ghi nhận trong tháng đầu năm cho thấy, xuất khẩu hàng dệt may, giày dép và máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng có mức tăng khá cao. Các mặt hàng này đã đóng góp cho kim ngạch chung khoảng 5,7 tỷ USD.
Bên cạnh đó, một số thị trường truyền thống của Việt Nam vẫn được giữ vững và phát huy hiệu quả. Cụ thể, xuất khẩu sang thị trường châu Á ước đạt 10,98 tỷ USD, tăng 2,9%; xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 1,63 tỷ USD, tăng 3,9% và xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 1,53 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước...
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu tháng 1 ước đạt 20,8 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng 12-2018. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập 9,05 tỷ USD, tăng 3,1% còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhập 11,75 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải việc nhập khẩu tăng cao, Bộ Công Thương cho biết, do nhu cầu tiêu dùng dịp Tết tăng cao nên nhiều doanh nghiệp tranh thủ nhập khẩu hàng hóa, một mặt để đáp ứng yêu cầu của thị trường mặt khác là để phục vụ chiến lược đầu tư mở rộng, dự trữ nguyên liệu sản xuất xuất khẩu sau Tết.
Một số mặt hàng có nhập khẩu nhiều nhất trong tháng 1-2019 là bông các loại tăng 12,3%. Ngoài ra, nhập xơ, sợi, dệt các loại tăng 11,5%; nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 4,6% và máy móc, thiết bị tăng 3,8%...
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 6,1 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc với kim ngạch nhập khẩu đạt 4,05 tỷ USD, giảm 5,8%; ASEAN đạt 2,78 tỷ USD, tăng 3,7%; Nhật Bản đạt 1,6 tỷ USD, tăng 5%; EU đạt 1,3 tỷ USD, tăng 15,5%; Hoa Kỳ đạt 1,1 tỷ USD, tăng 20,8%...
Công nhân dầu khí đang vận hành sản xuất. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Như vậy, trong tháng 1-2019, cả nước đã nhập siêu khoảng 800 triệu USD, bằng 4% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 2,6 tỷ USD còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 1,8 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, tất cả các thị trường có FTA đều có mức tăng trưởng vượt trội, trong đó năm 2018, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ASEAN tăng tới 13,7%, thị trường Hàn Quốc tăng 23,2%...
Đáng chú ý, Việt Nam cũng xuất siêu lớn vào thị trường của các nước phát triển, như Mỹ, EU, Nhật Bản.
"Đây là những thị trường có yêu cầu rất cao, do vậy việc xuất siêu chứng tỏ năng lực sản xuất và chất lượng hàng hóa của Việt Nam ngày càng có tiến triển tốt", ông Hải nói.
Nhìn lại 2 năm gần đây, theo ông Hải, Việt Nam đã xuất siêu liên tiếp, đặc biệt năm 2018, xuất siêu lập kỷ lục khi vượt 7 tỷ USD.
Song do độ mở của nền kinh tế rất lớn lên tới 200%, vì vậy, Việt Nam cũng phụ thuộc nhiều vào các nước có quan hệ về giao thương hai chiều, như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, do vậy biến động kinh tế ở các nước này sẽ có tác động lớn đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Bộ Công Thương cho biết, năm 2018 cả nước xuất siêu hơn 7,2 tỷ USD, trong đó một số thị trường có xuất siêu lớn là Hoa Kỳ và EU. Cũng trong năm vừa qua, Việt Nam có 29 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, 8 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng trên 10 tỷ USD.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.