(HNMO)- Theo nghiên cứu, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất ở châu Á và đứng thứ 7 trên thế giới về tốc độ già hóa dân số.
Vấn đề cấp bách
Thế giới đang già hóa nhanh chóng và Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất ở châu Á và đứng thứ 7 trên thế giới về tốc độ già hóa dân số. Trong 10 năm tới, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ vượt qua con số 1 tỷ người. Già hóa dân số mang lại nhiều cơ hội cũng như nhiều thách thức phát sinh.
Theo ước tính, số người cao tuổi ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ tăng gấp 3 lần, từ 419 triệu người vào năm 2010 tới hơn 1,2 tỷ người vào năm 2050. Tính đến thời điểm này, cứ 4 người thì có 1 người trên 60 tuổi. Sự chuyển đổi này sẽ được nhìn thấy rõ ở Đông và Đông Bắc Á, nơi mà cứ 3 người thì có hơn 1 người trên 60 tuổi vào năm 2050.
Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về Già hóa dân số” đã đưa ra những thách thức với vấn đề già hóa dân số cần được giải quyết như: thu nhập không được đảm bảo, an sinh xã hội chưa đầy đủ, năng lực hạn chế của hệ thống y tế trong việc giải quyết một loạt các vấn đề vẫn đang tồn tại mà người cao tuổi phải đối mặt, những vấn đề nhân sự trong việc đáp ứng các nhu cầu về dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, cụ thể là chăm sóc lâu dài, và việc mang lại một môi trường thân thiện với người cao tuổi để khuyến khích sự tham gia tích cực của người cao tuổi vì một xã hội tốt đẹp hơn.
Cần có giải pháp thích hợp
Chăm sóc người cao tuổi là một phần quan trọng của các chương trình, chính sách kinh tế và xã hội. Sau khi Chương trình Hành động Quốc gia về Người cao tuổi giai đoạn 2012 – 2020 được phê duyệt vào năm ngoái, các vấn đề liên quan đến người cao tuổi đã được đưa vào các chính sách và chương trình của Chính phủ. Tuy nhiên, vì nhóm dân số cao tuổi tiếp tục tăng lên nên Việt Nam cần có những chính sách, chiến lược thực tế và phù hợp để đảm bảo các vấn đề và nhu cầu của người cao tuổi được đưa vào trong các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chính vì vậy, việc chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia khác như: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan và Isarel là rất cần thiết để rút ra những bài học quý báu cho Việt Nam khi chuẩn bị các chiến lược, chính sách và chương trình ứng phó với vấn đề già hóa dân số. Tuy nhiên, mỗi quốc gia sẽ có một cách giải quyết riêng. Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng phải nghiên cứu áp dụng theo điều kiện về nhân lực và kinh tế của Việt Nam.
Theo ông Thái Phúc Thành – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội – Bộ LĐTBXH, thì hiện nay mức độ bảo trợ chăm sóc người già ở Việt Nam đang còn rất khiêm tốn, chưa thể có điều kiện tốt hơn để chăm sóc người cao tuổi. Mức trợ cấp hàng tháng (chung cho cả cộng đồng) cho người cao tuổi khoảng 180.000 đồng/1 người đối với người từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, hoặc người già neo đơn không có người phụng dưỡng. Hiện cũng mới chỉ có 1,5 triệu người cao tuổi nhận được trợ cấp xã hội hàng tháng. Hệ thống trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ người cao tuổi mới có hơn 200 trung tâm, do đó việc chăm sóc người già vẫn phụ thuộc vào các gia đình và các nhà hảo tâm.
Phát biểu với báo chí tại cuộc họp báo nằm trong khuôn khổ cuộc Hội thảo, TS.BS Dương Hữu Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục DS – KHHGĐ khẳng định, Việt Nam đang là nước có tốc độ già hóa nhanh, vì thế chúng ta phải nhìn nhận người cao tuổi như một phần của xã hội. Những vấn đề nay sinh trong việc chăm sóc người già như: chính sách lương hưu, bảo hiểm y tế đang là vấn đề cấp bách cần giải quyết. Hiện nay Đề án “Chăm sóc phát huy vai trò của người cao tuổi” cũng đang được trình Chính phủ phê duyệt.
Giải đáp thắc mắc của báo giới về vấn đề tuổi thọ người dân Việt Nam tăng cao thì tuổi nghỉ hưu của người lao động có tăng? Ông Dương Hữu Trọng cũng khẳng định sẽ không có chuyện tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động. Luật lao động đã quy định rõ, tuổi nghỉ hưu của nam giới là 60 tuổi và nữ giới là 55 tuổi, trong một vài trường hợp cụ thể như môi trường làm việc độc hại sẽ cho nghỉ hưu sớm hơn, hoặc với người có trình độ chuyên môn cao, những người tài năng (tùy trường hợp cụ thể) sẽ nghỉ hưu muộn hơn số tuổi quy định. Điều này chỉ thay đổi khi Luật lao động thay đổi mà thôi.
"Người cao tuổi hiện nay chính là những người trẻ tuổi trước đây, và người trẻ tuổi hôm nay sẽ là thế hệ người cao tuổi trong tương lai. Chính vì vậy, cần thiết phải đầu tư vào sức khỏe, giáo dục và công ăn việc làm phù hợp cho thanh niên. Khi mà chúng ta làm được điều này thì chúng ta sẽ giải quyết được những nhu cầu của các thế hệ người cao tuổi trong tương lai" - ông Arthur Erken, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam đã nhấn mạnh tại hội thảo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.