Trước khi giải đấu diễn ra, HLV Miura đã mạnh dạn đặt chỉ tiêu vô địch cho đội tuyển Việt Nam. Hồi đấy, ít người tin vào chỉ tiêu này. Tuy nhiên, giờ thì người ta bắt đầu thấy ông Miura không nói suông.
Vào bán kết là thành công đáng kể
Trước khi nói về chuyện ĐTVN có vô địch AFF Cup 2014 hay không, phải khẳng định rằng vào bán kết, đặc biệt là vào bằng vé nhất bảng, đứng trên Philippines và Indonesia đã là thành công đáng kể với bóng đá Việt Nam.
Gọi đấy là thành công lớn vì xét về năng lực con người trong đội tuyển hiện nay, chúng ta đang có lực lượng kém xa so với những đội tuyển từng tham dự các giải đấu lớn trong khu vực trước đó.
Đây là một đội bóng như nhiều người nói không có thủ lĩnh thực thụ ở tuyến giữa, thiếu hẳn dạng tiền vệ tổ chức dạng Hồng Sơn lứa “thế hệ vàng”, hay Minh Phương hồi ĐTVN vô địch AFF Cup 2008.
Đây cũng là một đội tuyển mà ở hàng hậu vệ, chỉ có mỗi Phước Tứ đáng được gọi là có đẳng cấp, đến nỗi HLV Miura phải sử dụng đến lối phòng ngự 2 tầng, dùng đến 2 tiền vệ chuyên thu hồi bóng trước hàng hậu vệ, rồi đẩy tiếp 1 trung vệ khác (Huy Hùng) lên đứng trước bộ tứ vệ.
Xuân Thành hầu như vô danh cho đến trước khi HLV Miura xuất hiện (ảnh: Gia Hưng) |
ĐTVN ở AFF Cup 2014 cũng là đội tuyển hiếm hoi mà chúng ta thậm chí không có hậu vệ biên thực thụ, thiếu hẳn dạng cầu thủ như Quang Thanh, Việt Cường ngày nào, hay Công Minh, Đức Thắng thời “thế hệ vàng”.
Hàng tiền đạo của chúng ta cũng không phải là mạnh, khi Công Vinh bị nghi ngờ rằng đã bắt đầu bước sang bên kia sườn dốc của sự nghiệp, Anh Đức chưa hề có duyên ở cấp độ đội tuyển, Hồng Quân phải phiêu bạt từ đội này sang đội kia suốt mùa giải 2014, trong khi Hải Anh chỉ dừng ở mức phát hiện mới.
Chuyên gia trong nước từng nhận định “HLV Miura là điểm sáng nhất của ĐTVN tại AFF Cup 2014”. Chỉ với điểm sáng đáng kể ấy, chúng ta vẫn oanh oanh liệt liệt vào bán kết, thì không thể không gọi đấy là thành công, thậm chí thành công rất lớn.
Vô địch: Tại sao không?
Từ những nhược điểm về lực lượng của ĐTVN, càng thấy cái hay của HLV Miura. Với vị HLV người Nhật, không có cầu thủ nào là vô dụng. Ông có thể sử dụng Hải Anh đầy hiệu quả ngay cả khi Hải Anh không ghi bàn trong trận đấu với Indonesia.
HLV Miura biết cách vực dậy một Công Vinh ngỡ như đang ngủ quên sau vài trăm phút không thể ghi bàn. Vị HLV người Nhật biến một Ngọc Hải nổi tiếng là “củi” trở thành một hậu vệ biên ngày càng có nghề, giúp cho toàn bộ đội bóng vốn thường hụt hơi trong những pha đua sức trở thành một tập thể dẻo dai.
Cái hay của HLV Miura còn nằm ở chỗ ông biết lúc nào nên bung sức, còn lúc nào thì không. Ví như trận gặp Lào, nhiều người chỉ trích vị HLV người Nhật, nhưng ông vẫn xem đấy là trận thử nghiệm hơn là một cuộc đua bàn thắng vốn cũng không cần thiết. Bởi, điều cần thiết nhất với chúng ta là giành trọn 3 điểm và bảo toàn lực lượng thì HLV Miura đều làm được.
Rồi quan trọng hơn nữa, đội bóng của HLV Miura từ chỗ tầm thường về mặt lực lượng trở nên nguy hiểm bởi thậm chí cho đến bây giờ, đối thủ của ông và ngay cả các chuyên gia trong nước cũng chưa lường hết được rằng vị HLV người Nhật còn giấu những gì trong tay?
Mỗi trận đội bóng của HLV Miura đá mỗi kiểu, với những phương án tấn công rất đa dạng và chẳng giống nhau, nên đối thủ, thậm chí ngay đến người nhà muốn đọc ra cách bày binh bố trận của HLV Miura cũng khó.
Một HLV hay hay dở hơn nhau là ở chỗ ấy. Hơn nhau ở chỗ người ta không thể đoán trước được ý của vị HLV đấy. Một đội bóng nguy hiểm hay không nguy hiểm cũng ở chỗ người ta không đoán được đội bóng đấy sử dụng bài gì trước đối thủ nào.
Những đối thủ của chúng ta ở bán kết sẽ khác các đối thủ mà chúng ta vừa vượt qua ở vòng bảng. Khi đó, hy vọng rằng vị HLV người Nhật sẽ tiếp tục làm cho nhiều người bất ngờ.
Nếu cho rằng giai đoạn khó khăn nhất về mặt tâm lý của chúng ta đã qua, sau khi qua được vòng bảng, thì cũng hy vọng rằng đội tuyển sẽ thêm hưng phấn khi cơ hội lớn đang mở ra. Đừng quên rằng từ vòng bán kết trở đi, ĐTVN chỉ có được thêm chứ chẳng có gì để mất đi, ở chỗ chúng ta đã hoàn thành chỉ tiêu mà trước giải nhiều người không tin chúng ta có thể làm được!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.