Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam đón xem đêm cực đỉnh mưa sao băng đầu tiên của thập kỷ

Theo Khánh Minh/Lao động| 04/01/2020 18:23

Mưa sao băng đầu tiên của thập kỷ đang dần đạt mức độ cực đỉnh sẽ xuất hiện ở Việt Nam trong đêm nay, 4-1-2020. Và phải đợi đến năm 2028, những người yêu thiên văn mới có thể lại chiêm ngưỡng trận mưa sao băng lý tưởng như vậy.

Đêm cực đỉnh mưa sao băng xuất hiện ở Việt Nam vào đêm 4-1, rạng sáng 5-1. Ảnh: Reuters

Mưa sao băng Quadrantids năm 2020, một trong những trận mưa sao băng mạnh nhất trong năm, đạt cực đại vào cuối tuần này.

Mặc dù mưa sao băng đầu tiên của thập kỷ kéo dài đến ngày 10-1-2020, nhưng số lượng sao băng lớn nhất sẽ xuất hiện chỉ trong vài giờ trong thời gian cực đại này. Điều đó phân biệt Quadrantids với các trận mưa sao băng khác như Geminids và Perseids, đạt cực đại trong vài ngày.

Theo trang Space, cực đỉnh của mưa sao băng Quadrantids 2020 chính là vài giờ đồng hồ mà trái đất bay qua dải bụi thiên thạch dày đặc nhất. Ở Việt Nam có thể quan sát đêm cực đỉnh của trận mưa sao băng này vào đêm 4-1, rạng sáng 5-1.

Vào thời điểm đó, hơn 100 ngôi sao băng có thể được nhìn thấy mỗi giờ. Giai đoạn dày đặc nhất của mưa sao băng là khoảng thời gian từ 2h đến 6h ngày 5-1, với 120 ngôi sao băng lướt qua bầu trời mỗi giờ.

Mưa sao băng Quadrantids đẹp nhất đêm 4-1. Ảnh: Shutterstock

Sau đêm cực đỉnh mưa sao băng năm nay, những người yêu thích hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này sẽ phải đợi đến năm 2028 để chiêm ngưỡng trận mưa sao băng lý tưởng như vậy.

Theo Hiệp hội Khí tượng Mỹ, cách tốt nhất để ngắm mưa sao băng là chọn một nơi ít ánh đèn, tránh xa các thiết bị điện tử trong ít nhất 15 phút để mắt quen với bóng tối.

Nguồn gốc của mưa sao băng Quadrantids là 2003EH, một tiểu hành tinh có biệt danh “sao chổi Zombie” quay quanh Mặt trời mỗi 5,5 năm.

Mưa sao băng Quadrantids được biết đến với các thiên thạch cầu lửa sáng chói với đuôi phát sáng. Mỗi năm một lần, Trái đất bay qua chiếc đuôi đó và mọi người lại có dịp chiêm ngưỡng mưa sao băng.

Những ngôi sao băng này, theo NASA, là "vụ nổ ánh sáng và màu sắc lớn hơn có thể tồn tại lâu hơn một vệt sao băng trung bình".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam đón xem đêm cực đỉnh mưa sao băng đầu tiên của thập kỷ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.