Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam để lại nhiều dấu ấn trong ASEAN

Đình Hiệp| 27/07/2015 06:07

(HNM) - Ngày mai (28-7), Việt Nam sẽ kỷ niệm 20 năm gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).



20 năm không phải là chặng đường dài so với lịch sử 48 năm hình thành và phát triển ASEAN. Thế nhưng, những dấu ấn tốt đẹp, những đóng góp, những sáng kiến của Việt Nam đã ghi dấu ấn đậm nét trong ASEAN. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí nhân sự kiện trọng đại này.

- Thứ trưởng có thể cho biết những đóng góp nổi bật của Việt Nam trong 20 năm gia nhập ASEAN?

- Trước tiên tôi cho rằng, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, thành công trong công cuộc đổi mới… đã góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Điều này cũng đồng nghĩa với việc góp phần nâng cao vị thế, sức mạnh của ASEAN khi Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm thành công của mình. Chúng ta đều biết rằng, các thành viên mạnh thì hiệp hội sẽ mạnh lên. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, chỉ 3 năm sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội (tháng 12-1998) với những kết quả quan trọng, trong đó có Chương trình Hành động Hà Nội, góp phần định hướng phát triển của Hiệp hội, giúp ASEAN vượt qua khủng hoảng tài chính khu vực khi đó. Đặc biệt, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010 với những kết quả thực chất, góp phần thúc đẩy “văn hóa thực thi” và cụ thể hóa một bước quan trọng mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của Hiệp hội. Bên cạnh đó, chúng ta còn chủ trì nhiều hội nghị quan trọng trên cả ba trụ cột an ninh - chính trị, kinh tế và văn hóa của ASEAN. Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mở rộng và thể chế hóa khuôn khổ quan hệ của ASEAN với các nước lớn và các đối tác quan trọng.

- Trong chặng đường 20 năm qua, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến thúc đẩy hợp tác trong ASEAN. Vậy theo Thứ trưởng, những sáng kiến nào đã mang đậm dấu ấn Việt Nam trong ASEAN?

- Một trong những sáng kiến cũng như đóng góp nổi bật của Việt Nam là đưa ASEAN từ chỗ chỉ có 6 nước thành viên lên 10 nước của cả khu vực Đông Nam Á. Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 nhưng chỉ 3 năm sau là Chủ tịch Cấp cao ASEAN. Khi đó Campuchia nộp đơn gia nhập ASEAN nhưng một số nước không ủng hộ. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã thúc đẩy để Campuchia gia nhập ASEAN vào năm 1999. Một sáng kiến nữa phải kể đến là kết nối trong ASEAN. Việt Nam là nước đưa ra sáng kiến kết nối toàn diện ASEAN. Hay sáng kiến tiếp theo là thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN. Không phải vì Việt Nam là quốc gia có trình độ phát triển thấp hơn so với một số nước trong Hiệp hội, mà điều này là cơ sở quan trọng để tăng cường đoàn kết, kết nối cũng như nâng cao sức mạnh của ASEAN. Trong năm Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đưa ra sáng kiến mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS) để kết nạp thêm Mỹ và Nga, lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), từ đó vận động để đại diện cho ASEAN dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Hàn Quốc và Canada thể hiện Việt Nam có tầm nhìn chiến lược vượt ra ngoài khu vực.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung.


- Những năm qua, Biển Đông không chỉ là vấn đề của các nước ASEAN có lợi ích liên quan - trong đó có Việt Nam - mà đã trở thành mối quan tâm chung của khu vực. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về cách giải quyết của ASEAN về vấn đề Biển Đông thời gian qua?

- Hiến chương của ASEAN đã nêu rất rõ những nguyên tắc liên quan đến vấn đề bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực Đông Nam Á. Đó là nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực và những nguyên tắc giải quyết các tranh chấp trên cơ sở đối thoại hòa bình. Thời gian qua, ASEAN đã có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm duy trì hòa bình, an ninh và ổn định, trong đó có giải quyết các tranh chấp. Việc bảo đảm hòa bình, an ninh trên Biển Đông gắn liền với bảo đảm hòa bình ở khu vực Đông Nam Á. Trên cơ sở đó, ASEAN có hàng loạt văn kiện pháp lý như Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), rồi một loạt cơ chế thực hiện… Về cơ bản, các nước ASEAN đều cho rằng, vấn đề Biển Đông luôn gắn liền với hòa bình, an toàn trong khu vực cũng như trên thế giới. Vì thế, việc ngăn chặn những nguy cơ gây căng thẳng trên Biển Đông là hết sức cần thiết. Tuy nhiên thực tế cho thấy, việc thảo luận trong ASEAN nhằm tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) chưa đạt yêu cầu và chậm hơn nhiều so với những diễn tiến xảy ra trên Biển Đông hiện nay.

- Trước hàng loạt thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang nổi lên, Việt Nam cũng như các nước ASEAN cần làm gì để duy trì vai trò trung tâm của mình, đặc biệt trong bối cảnh đã có cường quốc đang tìm cách chia rẽ đoàn kết của Hiệp hội?

- Việc ASEAN cần duy trì vai trò trung tâm là do yêu cầu của các nước thành viên để Hiệp hội và sau này là Cộng đồng sẽ đáp ứng được nhu cầu và lợi ích của mình. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực ngày càng phức tạp, trong đó có sự tác động của nước lớn đang đặt ra cho ASEAN cần phải có tiếng nói, vai trò cũng như vị trí trung tâm trong giải quyết các vấn đề khu vực dựa trên lợi ích của ASEAN, chứ không phải áp đặt từ bên ngoài. Mỗi nước đều có những sáng kiến, lợi ích khác nhau nhưng đã là một Hiệp hội cần phải có sự đoàn kết, thống nhất để ASEAN có vai trò trung tâm. Nếu một quốc gia nào đó đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của cộng đồng sẽ ảnh hưởng đến cả Hiệp hội và đến quốc gia đó. Nếu không có hòa bình ổn định trong khu vực thì quốc gia trong khu vực đó cũng không thể có được hòa bình. Vì thế, việc giải quyết hài hòa lợi ích quốc gia và Hiệp hội là hết sức quan trọng.

- Cộng đồng ASEAN hình thành vào cuối năm nay sẽ đặt ra cho Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Vậy những trọng tâm ưu tiên của Việt Nam thời gian tới là gì, thưa Thứ trưởng?

- Việt Nam nhất trí với các nước ASEAN về các lĩnh vực hoạt động của ASEAN hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh đó chúng ta cần phải dành ưu tiên cho bảo đảm hòa bình, an ninh ở khu vực, trong đó có hòa bình, an ninh trên Biển Đông. Đây là điều kiện tiên quyết cho các hoạt động khác. Chúng ta đều nhận thức rõ những xung đột trong quá khứ đã gây tác hại như thế nào đối với sự phát triển của các nước trong khu vực, ảnh hưởng đến hợp tác của ASEAN. Vì thế, chúng ta không để điều đó lặp lại. Những ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới là thúc đẩy hợp tác kinh tế hiệu quả hơn, nâng cao nhận thức về Cộng đồng ASEAN và tầm quan trọng chiến lược của việc Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN.

- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam để lại nhiều dấu ấn trong ASEAN

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.