Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam đánh giá cao Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mê Công quốc tế

05/04/2010 06:25

(HNM) - Ngày 4-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã rời thành phố Yangon, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm, làm việc tại Liên bang Mianma theo lời mời của Thủ tướng Liên bang Mianma, Đại tướng Thên Sên. Đây là lần thứ hai Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Mianma trên cương vị Thủ tướng Chính phủ.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Thủ tướng Thên Sên và hội kiến Chủ tịch Hội đồng Hòa bình và Phát triển quốc gia Mianma, Thống tướng Than Suề. Hai Thủ tướng đã trao đổi về tình hình quan hệ hai nước trong thời gian gần đây và đề ra các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác song phương nhiều mặt trong thời gian tới, đặc biệt trong các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp, cây công nghiệp, thủy sản, ngân hàng - tài chính, hàng không, viễn thông, dầu khí, khai khoáng, sản xuất và cung cấp thiết bị điện, sản xuất và lắp ráp ô tô, xây dựng và hợp tác thương mại - đầu tư. Hai Thủ tướng đã thông qua "Tuyên bố chung về hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Mianma" với 23 điểm, trong đó nêu rõ từng nội dung hợp tác cụ thể giữa hai nước và giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm này, coi đó là nhân tố quan trọng nhằm không ngừng củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Thủ tướng Thái Lan Abịxịt Vâygiagiva tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Đức Tám -TTXVN

* Chiều 4-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến Hủa Hin (Thái Lan), tham dự Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mê Công quốc tế. Bên lề hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc gặp với Thủ tướng Thái Lan Abịxịt Vâygiagiva, Thủ tướng CHDCND Lào Buaxỏn Búpphảvăn và Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Giêm Ađam.

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao đầu tiên của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, được tổ chức tại Thái Lan. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Thái Lan, trong đó có sự hợp tác tại Ủy hội sông Mê Công. Hai Thủ tướng nhất trí cho rằng Hội nghị cấp cao lần này, cùng các chiến lược phát triển lưu vực của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, sẽ đề ra những định hướng quan trọng cho việc hợp tác giữa các nước trong thời gian tới, đồng thời sẽ triển khai những định hướng đó, thực hiện những thỏa thuận đạt được và thúc đẩy các công việc đang tiến hành, trong đó có việc xây dựng hướng dẫn thực hiện các bộ quy chế về hướng dòng chảy, đẩy nhanh việc thông qua quy chế về bảo đảm chất lượng nguồn nước. Hai bên nhất trí khuyến khích Mianma và Trung Quốc tham gia sâu rộng hơn vào Ủy hội sông Mê Công.

Hai Thủ tướng nhất trí tiếp tục tăng cường các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại hai nước và thống nhất sẽ kết nối hành lang Đông Tây từ Mục Đa Hản (Thái Lan) đi Việt Nam để lưu thông hàng hóa.

* Tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng CHDCND Lào Buaxỏn Búpphảvăn, hai bên bày tỏ vui mừng về quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Lào có bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, đồng thời nhất trí cần nâng cao hiệu quả hợp tác, phấn đấu đạt kim ngạch thương mại 1 tỷ USD trong năm 2010.

Hai Thủ tướng cũng mong muốn đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng, thế mạnh; chỉ đạo các bộ, ngành hai nước kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các thỏa thuận đã đạt được trong cuộc họp Ủy ban liên Chính phủ mới đây. Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ với Ủy hội sông Mê Công và cho rằng Hội nghị cấp cao diễn ra trong bối cảnh rất quan trọng bởi thời điểm hiện nay nước sông Mê Công đang cạn kiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, vì vậy, việc hợp tác giữa các nước là rất cấp thiết, vì lợi ích chung của các nước trong lưu vực sông.

* Phát biểu tại cuộc tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Giêm Ađam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh sự quan tâm của Việt Nam đối với vấn đề nước biển dâng tại Đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng việc kịp thời ứng phó với vấn đề này không chỉ bảo đảm ổn định đời sống của người dân trong khu vực mà còn góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho thế giới, bởi hằng năm vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuất khẩu 6 triệu tấn gạo.

Ông Giêm Ađam khẳng định WB cam kết sẽ bố trí nguồn lực tốt nhất để hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, nghiên cứu tác động của vấn đề nước biển dâng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam đánh giá cao Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mê Công quốc tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.