(HNMO) - Ngày 7-8, trả lời phỏng vấn Báo Hànộimới Online về thông tin vừa qua Nga đã bắt giữ hơn một nghìn lao động cư trú bất hợp pháp tại Mátxcơva, trong đó có nhiều người Việt Nam...
Việc bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam ở các nước trên thế giới, trách nhiệm đầu tiên là thuộc các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải bảo hộ. Chúng ta có quá trình truyền thống bảo hộ công dân rất tốt. Ví dụ như chúng ta đã đưa 10 nghìn lao động ở Libya trở về nước khi nước này xảy ra chiến tranh; bảo hộ hợp pháp cho 500 công nhân lao động ở Jordani, rồi ở địa bàn Châu Âu, trong đó có Nga. Từ xưa đến nay vị thế của cộng đồng người Việt ở đây thay đổi thất thường, tùy theo chính sách đối nội, đối ngoại của Chính phủ nước sở tại.
Có thể nói vừa qua có hàng trăm, thậm chí hơn một nghìn người Việt Nam bị bắt giữ tại Mátxcơva nằm trong chiến dịch chung của Chính phủ LB Nga là làm trong sạch không khí lao động nước ngoài. Lao động người nước ngoài ở Nga không chỉ có người Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác nhau như Trung Quốc, Pakisan, Ấn Độ… Chúng tôi cho rằng việc làm trên của bạn là thường xuyên, cần thiết, quan trọng là không có đối sách riêng với người Việt Nam.
Vì sao chúng ta có nhiều người Việt Nam sinh sống bất hợp pháp ở Nga như vậy? Đó là do quá trình yêu cầu giữa cơ quan cung ứng và sử dụng lao động trong và ngoài nước. Tất cả các công dân chúng ta khi xuất cảnh khỏi Việt Nam sang LB Nga đều là hợp pháp, vì họ không thể xuất cảnh bất hợp pháp với số lượng đông như vậy. Trong quá trình sử dụng lao động tại chỗ, các công ty sử dụng lao động có những vận dụng khác nhau. Có những công ty sử dụng lao động mà không gia hạn thời gian cư trú cho người lao động, họ sẽ trở thành cư trú bất hợp pháp. Có những công ty sử dụng lao động đã chuyển cho công ty khác mà không gia hạn cư trú. Có những xưởng may chui bất hợp pháp tại Nga, sử dụng lao động bất hợp pháp. Đây là những nơi dung túng cho công nhân, những công ty sử dụng lao động không hiệu quả, bất hợp pháp.
Mâu thuẫn là việc sử dụng lao động của các công ty và người lao động chưa minh bạch. Ở công ty này họ là hợp pháp, sang công ty kia là bất hợp pháp vì họ không được đăng ký cư trú. Vì thế dẫn đến tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp tăng dần theo từng năm. Theo tôi trách nhiệm chính là các công ty sử dụng lao động tại chỗ chưa có trách nhiệm với người lao động. Cùng với đó, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chưa có biện pháp kiên quyết với các chủ sở hữu lao động không có tinh thần tự giác đăng ký cho người lao động sau khi họ hết thời hạn cư trú. Đó là nguyên nhân gây ra thiệt thòi cho công nhân chúng ta khi có các cuộc kiểm tra của chính quyền nước sở tại về pháp lý, trong đó có Nga.
Tôi hy vọng rằng với quan hệ truyền thống với Việt Nam, với sự can thiệp kịp thời của cơ quan đại diện ở nước ngoài, tất cả các cuộc bắt giữ với hàng trăm lao động Việt Nam vừa qua Nga sẽ có biện pháp giải quyết phù hợp.
Theo tôi hầu hết có thể được trở lại làm việc, còn rất ít trong số đó không có khả năng tiếp tục làm việc thì Nga buộc phải trục xuất về nước. Chúng tôi cố gắng vừa thuyết phục, vừa khuyến nghị với các cơ quan chức năng của Nga để bảo đảm tối đa số người Việt Nam được ở lại, tối thiểu số người phải về nước. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài là cơ quan có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài để giải quyết tốt những vụ việc như trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.