Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H7N9

Tùng Linh - Gia Bảo| 24/04/2013 06:03

(HNM) - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã khẳng định như vậy tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch ngày 23-4.

Theo báo cáo của 6 tỉnh, thành phố trọng điểm (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Lào Cai và Lạng Sơn), tổng số hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc đã được giám sát là 35.183 người (theo đường hàng không là 18.983 người, đường bộ 14.527 người và đường thủy là 1.673 người). Trong số gần 1.000 mẫu bệnh phẩm được Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ thu thập có gần 120 mẫu dương tính với cúm, chiếm hơn 12%. Riêng các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ đã xét nghiệm 81 mẫu bệnh phẩm nhưng kết quả không có trường hợp nào dương tính với cúm A/H7N9 và cúm A/H5N1.

Trung Quốc đã có 104 trường hợp mắc, 21 người tử vong do cúm A/H7N9.


Trong khi đó, diễn biến dịch cúm mới nhất tại Trung Quốc cho thấy, nước này đã có 104 trường hợp mắc, 21 người tử vong do cúm A/H7N9. Hiện mới có 13 trường hợp xuất viện, vẫn chưa xác định được nguồn truyền nhiễm. Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, đặc tính của vi rút cúm A là dễ biến đổi, có tính thích nghi cao nên nguy cơ lây từ người sang người là có thể xảy ra. Tổ chức Y tế thế giới cũng chưa loại trừ khả năng cúm A/H7N9 lây truyền từ người sang người trong phạm vi hẹp do đã ghi nhận một số chùm ca bệnh; nguồn gốc, phương thức lây truyền của cúm A/H7N9 chưa được xác định, do đó thời gian tới Bộ Y tế vẫn sẽ tiếp tục triển khai hoạt động kiểm dịch y tế biên giới; tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh viêm phổi nặng nghi do vi rút tại các cơ sở y tế và cộng đồng, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; phối hợp với ngành NN&PTNT giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, sự lưu hành của vi rút cúm A/H7N9 và cúm A/H5N1 trên các đàn gia cầm; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về tình hình dịch bệnh, vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm...

* Trước dịch cúm A/H5N1 trên chim yến xảy ra tại Ninh Thuận, Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh vừa đề nghị UBND TP cần ban hành quy chế quản lý việc dẫn dụ, gây nuôi chim yến trên địa bàn. Sở NN&PTNT cho rằng cần quy trách nhiệm của địa phương trong việc cấp phép xây dựng nhà nuôi yến mới; quản lý đưa các nhà nuôi yến hiện hữu đi vào nền nếp; xử lý các trường hợp phát sinh xây nhà nuôi yến ngoài khu vực được quy hoạch, xây dựng nhà yến trái phép; trách nhiệm của người nuôi trong việc giám sát dịch bệnh. Theo Chi cục Thú y TP, hiện trên địa bàn có trên 300 nhà nuôi yến nhưng chỉ có 10 nhà nuôi yến tại Cần Giờ được cấp phép, còn lại đều tự phát.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H7N9

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.