Theo thông báo của Hội đồng Olympic châu Á, có 4 ứng cử viên xin đăng cai Asiad 2019, trong đó có Việt Nam.
Sau khi Asiad 2010 tại Quảng Châu kết thúc, cuộc đua giành quyền đăng cai Asiad 2019 được khởi động và ban đầu có 7 quốc gia, vùng lãnh thổ bày tỏ sự quan tâm. Đến nay, OCA xác nhận chỉ có 4 ứng viên gửi hồ sơ xin đăng cai Á vận hội lần thứ 18 là Đài Loan, Việt Nam, Indonesia và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE). Ba ứng cử viên khác là Hồng Kông, Malaysia và Ấn Độ rút lui.
Sân vận động Mỹ Đình, biểu tượng gắn với thành công của kỳ SEA Games đầu tiên diễn ra tại Việt Nam năm 2003. |
Địa điểm chính cho Asiad tại Việt Nam là Hà Nội. Trong khi đó Indonesia chọn thành phố Surabaya, Đài Loan chọn Cao Hùng, còn UAE muốn tổ chức ở hai địa điểm Dubai và Abu Dhabi.
Việt Nam đã từng hai lần làm chủ nhà các sự kiện thể thao lớn là SEA Games 22 năm 2003 và Đại hội thể thao châu Á trong nhà 3 năm 2009. Trong đó SEA Games 22 là sự kiện gây được tiếng vang cả trong lẫn ngoài nước, ghi nhận trình độ tổ chức của Việt Nam đối với Đại hội thể thao quốc tế.
Tuy nhiên, so với hai Đại hội kể trên thì Asiad có quy mô lớn hơn nhiều với sự tham gia của 43 quốc gia châu Á, đòi hỏi một hệ thống cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ tổ chức đông đảo đi kèm.
Muốn nhận được quyền đăng cai Đại hội này, ngoài những khoản tiền bắt buộc phải nộp cho OCA, Việt Nam sẽ phải chứng minh được năng lực chuẩn bị đạt tiêu chuẩn và tốt hơn so với ba ứng cử viên còn lại.
Phiên họp toàn thể của OCA diễn ra vào ngày 3/11 tại Macau sẽ công bố chủ nhà của Asiad 2019.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.