Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam cần 'chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung'

Theo Thành Chung| 12/08/2014 17:05

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng đề nghị các đại biểu đề xuất những định hướng dài hạn cho đối ngoại đa phương Việt Nam.


Thủ tướng nhấn mạnh: Trên cơ sở các chủ trương của Đảng, Nhà nước và xu thế chung của thế giới, cần xác định đối ngoại đa phương là bộ phận rất quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Đối ngoại đa phương là phương tiện hữu hiệu để triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị Đối ngoại đa phương thế kỷ 21


Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc về “Đối ngoại đa phương thế kỷ 21 và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam” nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác này. Đây cũng là lần đầu tiên bàn về chủ đề đối ngoại đa phương với sự tham dự của của hơn 200 đại biểu, trong đó có nhiều diễn giả là chính khách hàng đầu của thế giới (như ông Pascal Lamy, Chủ tịch danh dự Viện Notre Europe-Jacques Delors, nguyên Tổng Giám đốc WTO, Tiến sỹ Jayantha Dhanapala, Chủ tịch Hội nghị Pugwash về khoa học và các vấn đề thế giới, nguyên Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách giải trừ quân bị) cùng nhiều nhà ngoại giao Việt Nam dày dạn kinh nghiệm về đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại đa phương.

Hội nghị là dịp tổng kết chặng đường gần 30 năm đối ngoại đa phương của Việt Nam, đánh giá thành tựu cũng như đúc rút bài học kinh nghiệm về đa phương trên tất cả các lĩnh vực trong thời kỳ Đổi mới. Các bộ, ngành và địa phương tham dự hội nghị cùng trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia hàng đầu quốc tế về hoạch định và thực tiễn triển khai đối ngoại đa phương, thống nhất nhận thức và đẩy mạnh triển khai đối ngoại đa phương trong thời kỳ hội nhập quốc tế toàn diện.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định những đóng góp to lớn của công tác đối ngoại nói chung và đối ngoại đa phương nói riêng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện rõ nhất qua dấu ấn lịch sử của Hội nghị Geneve 1954 và Hội nghị Paris 1973 cũng như trong thời kỳ đổi mới Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của nhiều tổ chức, diễn đàn quan trọng ở khu vực và thế giới, vai trò, vị thế của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Thủ tướng nêu rõ: Bước sang thế kỷ 21, nhất là từ sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đang chứng kiến những chuyển dịch mạnh mẽ trong nền tảng kinh tế thế giới cũng như trong tương quan lực lượng quốc tế. Quá trình toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng đã thúc đẩy ngày càng mạnh mẽ các hoạt động đa phương và liên kết ở các cấp độ khu vực, liên khu vực và quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Đối ngoại đa phương là phương tiện hữu hiệu để Việt Nam triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “…Trong môi trường an ninh và phát triển đang chuyển biến rất nhanh và sâu sắc, tất cả các nước lớn nhỏ đều đứng trước nhu cầu tăng cường hợp tác, liên kết để cùng giải quyết các vấn đề chung cấp bách. Các thách thức toàn cầu hóa ngày càng nhiều và phức tạp, nằm ngoài khả năng giải quyết của từng quốc gia và từng khu vực. Đó là việc bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế, ngăn ngừa và giải quyết xung đột, đến các vấn đề liên quan tới liên kết kinh tế, tài chính, tự do hóa thương mại, đầu tư, cũng như việc hợp sức ứng phó với khủng hoảng và các thách thức an ninh phi truyền thống. Thế giới đang hướng đến cục diện “đa cực” cùng với xu thế dân chủ hóa phát triển mạnh mẽ trong quan hệ quốc tế. Tất cả các quốc gia đều rất coi trọng các thể chế, các phương thức giải quyết đa phương, nhằm phục hồi kinh tế, mở rộng không gian phát triển, tạo thêm thế và lực trong cục diện mới. Trong đó châu Á - Thái Bình Dương đang đi đầu xu hướng liên kết đa tầng nấc và đã trở thành một trung tâm kinh tế, chính trị năng động…”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đánh dấu bước chuyển quan trọng về tư duy đối ngoại với chủ trương “triển khai đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả các hoạt động đối ngoại” trên tất cả các kênh song phương và đa phương, dựa trên sự phối hợp chặt chẽ giữa ngoại giao Nhà nước - đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân. Đại hội XI của Đảng cũng đề ra chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” và đã được cụ thể hóa bằng Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ. Theo đó hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “…Trên cơ sở các chủ trương của Đảng, Nhà nước và xu thế chung của thế giới, chúng ta cần xác định đối ngoại đa phương là bộ phận rất quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Đối ngoại đa phương là phương tiện hữu hiệu để chúng ta triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế. Các thể chế, các diễn đàn đa phương là nơi Việt Nam bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích an ninh và phát triển; nâng cao vị thế của đất nước và hài hòa với các lợi ích chung; cùng chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu và xây dựng quan hệ đối tác bình đẳng, cùng có lợi trên cơ sở đề cao vai trò của luật pháp quốc tế. Đồng thời, đây cũng là nơi Việt Nam thể hiện tinh thần “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Trong công cuộc bảo vệ chủ quyền của đất nước, đặc biệt trong tình hình Biển Đông hiện nay, chúng ta cần coi trọng vai trò, tiếng nói của các thể chế, các diễn đàn đa phương, đặc biệt là Liên Hợp Quốc, ASEAN, Phong trào Không liên kết. Chính sự đoàn kết, ủng hộ mạnh mẽ của bạn bè quốc tế tại các diễn đàn đa phương đối với lập trường chính nghĩa của Việt Nam đã góp phần quan trọng đề cao chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, các nguyên tắc ứng xử của khu vực, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực...”.

Trên cơ sở mục đích, ý nghĩa của Hội nghị “Đối ngoại đa phương thế kỷ 21 và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam” nhằm thảo luận tìm ra các biện pháp hữu hiệu đẩy mạnh đối ngoại đa phương, phục vụ hiệu quả cho bảo đảm môi trường hòa bình và phát triển của Việt Nam trong thời kỳ chiến lược mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các đại biểu trao đổi và đề xuất những định hướng dài hạn cho đối ngoại đa phương Việt Nam trong thời kỳ mới; cần phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, cách thức phối hợp liên ngành trong hoạt động đối ngoại nói chung và trong triển khai đối ngoại đa phương, nhất là chuyển mạnh từ tư duy “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”.

Thủ tướng cũng đề nghị hội nghị cần làm rõ những biện pháp để tăng cường thống nhất nhận thức và đồng thuận giữa các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng của đối ngoại đa phương trong hội nhập quốc tế toàn diện phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế cần thảo luận sâu sắc các biện pháp cụ thể nhằm xây dựng, kiện toàn các cơ chế phối hợp liên ngành và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngoại giao đa phương, phù hợp với chuyển biến của tình hình và đáp ứng nhu cầu mới của đất nước…

Trong một ngày diễn ra hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận các xu thế lớn của đối ngoại đa phương thế kỷ 21; những vấn đề mới đặt ra với LHQ và các định chế đa phương trong duy trì hòa bình và an ninh; hợp tác đa phương thúc đẩy phát triển bền vững; hệ thống thương mại đa phương và các xu thế liên kết đa tầng nấc, Hiệp định tự do thương mại FTA thế hệ mới; điều chỉnh chính sách ngoại giao đa phương của các nước… cùng nhiều chuyên đề tham luận về cách tiếp cận mới trong hợp tác quốc tế về an ninh, quốc phòng; các thách thức an ninh thế kỷ 21… Các bài học, kinh nghiệm, đề xuất và khuyến nghị tại Hội nghị có ý nghĩa quan trọng, nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam, góp phần tạo thêm thế, tăng thêm lực cho đất nước…./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam cần 'chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung'

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.