Mang hoa quả, bánh mứt từ quê mẹ về trời Tây, chờ đường hoa Nguyễn Huệ hoàn thành để dạo một vòng, hay đôn đáo tìm áo dài mặc du xuân... là nỗi niềm của những kiều bào ở xa Tổ Quốc mỗi khi Tết đến.
Trong số những người Việt Nam ở xa quê hội ngộ dịp họp mặt mừng xuân Canh Dần tại TP HCM tuần trước, không ít người hơn nửa đời tha hương, hàng chục mùa xuân qua ăn Tết nơi đất khách. Cảm giác vẫn đi đi về về, vẫn gần gũi và làm việc tại Sài Gòn nhiều tuần, nhiều tháng trong năm nhưng lại vội vã rời xa từ ngày 27-28 Tết khiến nhiều vị xuýt xoa tiếc nuối.
Giáo sư Dương Nguyên Vũ, ngoài cùng bên trái, trò chuyện cùng anh em, bạn bè trong buổi họp mặt kiều bào xuân Canh Dần tổ chức tại TP HCM. Ảnh: Vũ Lê.
Giáo sư Dương Nguyên Vũ (định cư tại Pháp) đang tham gia công tác, giảng dạy tại trường Đại học Bách Khoa và Khoa học tự nhiên TP HCM, đồng thời là Giám đốc khoa học của Trung tâm nghiên cứu về hàng không châu Âu, tâm sự với VnExpress.net: "Mấy mươi năm rồi tôi chưa trải qua được mùi Tết Sài Gòn, thèm không khí hội hè, đường phố của xứ mình không thể tả".
Ông Vũ kể, trung bình một năm ông đi về giữa TP HCM và châu Âu 12 bận, vị chi mỗi tháng sống và làm việc ở Sài Gòn được một tuần rồi sau đó lại ra đi. Thế rồi cứ từ sau ngày 25 Tết ông phải vội vã bay về Pháp để hoàn tất công việc nên vuột mất cơ hội đón xuân ở quê cha đất tổ. Năm nào cũng vậy nên dù làm việc tại Việt Nam gần 3 tháng một năm nhưng chưa bao giờ ông được ăn Tết quê hương.
Giáo sư này cho hay, dù phải chia tay thành phố những ngày rộn rã cuối năm, ông đã chuẩn bị sẵn bánh, mứt, trái cây, hoa mai để mang sang Pháp. Ở trời Tây, cứ ngày mùng 2 Tết, ông tập hợp tất cả học trò người Việt về nhà mình, cùng quây quần trà bánh, ăn cơm gạo dẻo với thịt kho tàu, cắt bánh tét, xẻ bánh chưng, chúc mừng nhau dồi dào sức khỏe, an khang, thịnh vượng cho đỡ nhớ quê.
"Được thấy cảnh thợ thầy đang ráo riết làm đường hoa Nguyễn Huệ, đắp đất, be bờ, dẫn thủy nhập điền; được hòa vào dòng người rộn rã bát phố chiều 22-23 Tết, xem như tôi đã ngửi được chút tình quê", ông Vũ nói như tự an ủi chính mình.
Bà Nguyễn Thị Quý định cư ở Australia trở về Việt Nam sau gần 40 năm xa cách, chia sẻ: "Tính từ năm 1972 đến nay, tôi đã bỏ lỡ mất hàng chục cái Tết cổ truyền. Tiếc nhất là lần này tôi quên mang theo áo dài để mặc đi chơi Tết, bây giờ không biết tìm đâu ra áo dài vừa vặn với mình".
Bà Quý tâm sự, năm nay do chuyến trở về quá cập rập, chỉ ở Việt Nam đến ngày 17/2 rồi lại phải ra đi, bà đã không kịp xếp vào va ly một bộ áo dài ưng ý để du xuân với họ hàng thân tộc. "Tôi thèm cái cảm giác xúng xính mặc áo dài ở xứ mình đi đám cưới, dạo chợ hoa, đi chúc Tết biết bao, chắc phải lùng thuê áo dài chứ may thì không kịp", bà xuýt xoa.
Lênh đênh nơi đất khách nhiều năm, hết châu Âu rồi vòng về Ai Cập, bà Kim cùng chồng quyết định hồi hương từ năm 2006. Dù đã đứng tuổi, có con gái sắp vào đại học và nếm được bốn mùa xuân ở nơi chôn nhau cắt rốn, bà Kim vẫn say mê kể về Tết Sài Gòn như thời còn thiếu nữ.
Ngoài tục đi chùa, mừng tuổi thân tộc, nấu những món ăn truyền thống của miền Nam, Tết Sài Gòn in đậm trong ký ức bà Kim là hình ảnh đường hoa Nguyễn Huệ. Thời còn là thanh nữ, bà hay cùng mẹ và người thân trong gia đình dắt nhau xuống phố, năm nào cũng chụp hình lưu niệm ở đường hoa. Với bà Kim, cái không khí của phố Nguyễn Huệ ngày xưa và bây giờ vẫn không hề thay đổi, dù Sài Gòn đã to đẹp hơn, khang trang hơn so với thập niên 70, 80.
Kể về niềm vui sau 4 năm hồi hương, bà Kim không quên nhắc lại những tháng ngày bôn ba xứ lạ, khao khát mùa xuân ấm áp của cha ông mà bật khóc. “Người Việt ở Ai Cập không nhiều nên những ngày xuân xứ người buồn da diết. Tôi nhớ như in một cái Tết chỉ có 10 gia đình họp mặt tại Đại sứ quán Ai Cập, đóng ở Cairo. Lúc đó chúng tôi thèm Tết xứ mình vô bờ", bà Kim nói.
Nhiều kiều bào tâm sự, mùi của Tết chẳng phải cái gì cao xa. Đó đơn giản chỉ là không khí đoàn tụ quây quần của đại gia đình; là tiếng ồn ào của chợ hoa; cái náo nhiệt, chen lấn của các phiên chợ nửa đêm về sáng; sự chộn rộn của việc mua thịt, trứng về kho với nước dừa; háo hức sắm mâm ngũ quả cầu đủ xài (mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung); hì hục gói bánh tét, bánh chưng và ngồi bên bếp lửa đút củi vào lò rồi râm ran kể chuyện.
Mùi của Tết có khi chỉ là khoảnh khắc xông xênh đi sắm sửa nào vải vóc, giày dép mới, áo quần, trà bánh, câu đối; nào bao lì xì, nhành mai hay chậu cúc, vạn thọ... Thế nhưng chính dáng vẻ mộc mạc, gần gũi, ấm áp và thân thương như thế của Tết đã khiến cho những người con xa Tổ Quốc nặng lòng với cố hương, lặn lội đường xa trở về. Thậm chí có người còn quyết định hồi hương để tìm và sống lại những mùa xuân đã trôi qua mất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.