Muốn giải quyết hàng tồn kho, làm tan băng thị trường BĐS, giá bất động sản bắt buộc phải giảm…” Đó là quan điểm của ông Đỗ Duy Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank), khi trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư về giải pháp tín dụng cho thị trường BĐS và định hướng hoạt động của ngân hàng.
Chính phủ vừa qua đã đề ra một loạt giải pháp hỗ trợ thị trường BĐS. Viet Capital Bank hưởng ứng chủ trương này như thế nào, thưa ông?
Hiện tại chúng tôi chủ yếu triển khai chương trình cho vay mua nhà chứ chưa đẩy mạnh cung cấp tín dụng cho các dự án BĐS. Lý do là trên thị trường BĐS hiện nay, căn hộ tồn kho khá nhiều, sức mua giảm, các DN BĐS vẫn đang trong giai đoạn giải quyết hàng tồn kho trước đây là chính. Trái lại, nhu cầu thực sự của người đi mua nhà ở hiện nay khá lớn. Với mức lãi suất 12%-13% tôi nghĩ người mua nhà đã hoàn toàn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, do giá BĐS tại Việt Nam đã được đẩy lên quá cao nên hiện nay tâm lý chung của người đi mua nhà vẫn là chờ giá hạ thêm nữa. Vì thế, tín dụng cho các cá nhân mua nhà cũng chưa thực sự sôi động.
Đối với Viet Capital Bank, hưởng ứng chủ trương chung, thay vì cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp, chúng tôi đang nỗ lực cung cấp tín dụng cho phía cầu và góp phần thúc đẩy giải quyết bài toán hàng tồn kho BĐS.
Cụ thể, Viet Capital Bank dành gói tín dụng bao nhiêu để cho vay dạng này?
Xuất phát điểm của chúng tôi là ngân hàng nhỏ nên dư nợ tín dụng cũng như các sản phẩm cho vay khách hàng chưa nhiều. Nếu được tăng trưởng tín dụng khoảng 15%/năm trong năm 2013 thì Viet Capital Bank sẽ cân đối và dành khoảng 350 tỷ đồng cho vay mua nhà. Chúng tôi hy vọng với những đóng góp trong khả năng của mình sẽ góp phần giải quyết được phần nào đó đối với lĩnh vực BĐS.
Với sự vào cuộc của các ngân hàng thương mại, trong đó có Viet Capital Bank, ông đánh giá như thế nào về triển vọng tan băng của thị trường BĐS trong năm 2013?
Muốn tan băng thị trường BĐS, theo tôi, bắt buộc giá phải giảm. Nhiều năm qua, giá BĐS được đầu cơ mạnh nên giá thành ở mức quá cao so với khả năng chi trả và mức thu nhập của người có nhu cầu thực sự. Tuy nhiên, tôi nghĩ bài toán hạ giá thành BĐS hoàn toàn không đơn giản hay có thể giải quyết bằng mệnh lệnh hành chính. Thứ nhất, việc khởi động một dự án BĐS mất rất nhiều thời gian, làm tăng rất nhiều chi phí của DN. Để rút ngắn thời gian triển khai một dự án BĐS cần rất nhiều nỗ lực song song từ nhiều phía, không chỉ từ phía DN BĐS mà còn cả cơ quan quản lý. Chi phí giảm thì giá thành sẽ giảm. Thứ hai, muốn giải cứu thị trường BĐS thì tự bản thân các DN phải chịu hy sinh mất mát nhất định. Khi BĐS ở thời kỳ hoàng kim, các DN BĐS lãi lớn thì khi thị trường trầm lắng các DN phải chịu lỗ là hết sức bình thường, không thể đẩy cho một bên thứ hai. Nhưng nếu DN BĐS không chấp nhận quy luật này mà vẫn giữ nguyên giá bán hiện nay thì thực sự rất khó để giải quyết hết lượng hàng tồn kho.
Theo tôi, thị trường BĐS năm 2013 tan băng được hay không phụ thuộc vào các giao dịch thành công trên thị trường. Các giao dịch thành công phải được hình thành trên quan hệ cung cầu thị trường. Cầu về nhà ở trong xã hội rất lớn nhưng phụ thuộc vào mức giá bán. Giá nhà vẫn quá cao như hiện nay thì khó có thể kỳ vọng thị trường tan băng.
Hoạt động của Viet Capital Bank trong năm 2012 vừa qua thế nào, thưa ông?
Năm 2012 thực sự là một năm khó khăn với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên do xuất phát điểm của Viet Capital Bank không quá lớn và trong quá khứ không tăng trưởng nóng nên chúng tôi không đứng trước áp lực nợ xấu nhiều và đoặc biệt là các loại dư nợ liên quan đến cho vay BĐS. Tuy nhiên đặt trong bối cảnh môi trường kinh doanh không thuận lợi, hoạt động của ngân hàng cũng bị tác động mạnh từ tổng cầu xã hội sụt giảm, sản xuất kinh doanh nội địa đình đốn.
Về hiệu quả kinh doanh, dự kiến Viet Capitak Bank chỉ hoàn thành khoảng 50% kế hoạch lợi nhuận đã được ĐHĐCĐ thường niên giao. Lẽ ra lợi nhuận của chúng tôi cao hơn nhưng do thực hiện chỉ đạo của NHNN về việc áp dụng trần lãi xuất cho vay là 15% nên đã ảnh hường khoảng 130 tỷ đồng lợi nhuận. Với chiến lược đồng hành cùng DN và trở thành người bạn đáng tin cậy của khách hàng, thì mức lợi nhuận đạt được không cao nhưng đã phần nào chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế.
Nhìn từ bên ngoài, năm 2012 cũng là năm Viet Capitak Bank thay đổi khá nhiều về diện mạo như đổi thương hiệu mới, nâng cấp cơ sở vật chất các chi nhánh và điểm giao dịch. Còn bên trong thì sao, thưa ông?
Năm 2012 chúng tôi thực hiện cuộc cách mạng về dịch vụ bằng cách đưa hệ thống “core-banking” vào sử dụng. Chúng tôi cũng đã phát triển các mảng dịch vụ không thể thiếu với một ngân hàng hiện đại như dịch vụ e-banking, ATM, dịch vụ thẻ thanh toán… Bên cạnh đó, Ngân hàng đã ban hành nhiều quy trình, quy chế, quy định nội bộ và hoàn thiện hệ thống văn bản, pháp lý để phù hợp với hệ thống thương hiệu mới. Năm 2012, cơ cấu tổ chức mới đã được định hình với việc thành lập mới cũng như chuyên môn hóa các khối và phòng ban nghiệp vụ. Công tác quản trị rủi ro được đặc biệt chú trọng và nâng tầm khi các Hội đồng đầu tư, tín dụng và Ban Quản lý tài sản nợ họp thường xuyên.
Viet Capital Bank đặt các chỉ tiêu kinh doanh cho năm 2013 như thế nào?
Dựa trên kết quả kinh doanh đã thực hiện trong năm 2012, dự kiến năm 2013 Viet Capital Bank sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng phù hợp khoảng 15%. Kế hoạch kinh doanh này được xây dựng dựa trên kịch bản kinh tế thế giới và Việt Nam chưa thực sự phục hồi, tổng cầu yếu và hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước vẫn trầm lắng. Kế hoạch kinh doanh này dĩ nhiên phải được ĐHĐCĐ bàn bạc và thông qua. Trong điều kiện kinh tế sớm khởi sắc, môi trường kinh doanh thuận lợi, chúng tôi sẽ phấn đấu đạt các mục tiêu cao hơn.
Viet Capital Bank đang trong giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ. Ông có thể chia sẻ về hướng đi cụ thể trong một vài năm tới?
Nghiệp vụ của ngân hàng khá phức tạp đòi hỏi tuân thủ đúng mọi quy trình kiểm soát rủi ro. Triết lý kinh doanh của chúng tôi là ngân hàng hoạt động an toàn sẽ tự khắc đem lại hiệu quả. Một thuận lợi cho Viet Capital Bank là chúng tôi không vướng phải các khoản nợ xấu hay tăng trưởng nóng và bây giờ phải lo giải quyết hậu quả. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp nên Viet Capital Bank mục tiêu trước mắt chúng tôi hướng tới việc chuẩn hóa nhân sự, đầu tư nâng cấp chi nhánh khang trang và mở rộng thêm mạng lưới. Về sản phẩm của ngân hàng, sau khi đưa hệ thống “core-banking” vào vận hành chúng tôi sẽ phát triển cung cấp đầy đủ các sản phẩm của một ngân hàng hiện đại. Trước mắt, chúng tôi tập trung vào hoạt động bán lẻ để tạo nền tảng ổn định, sau đó từng bước mở rộng, tăng tỷ trọng bán buôn. Tùy theo mức độ phục hồi của kinh tế Việt Nam, Viet Capital sẽ có các mục tiêu phát triển vừa tầm và phù hợp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.