(HNM) -KTS Nguyễn Khánh Toàn (sinh năm 1977) được biết đến với 3 tập truyện thơ lịch sử
Phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trò chuyện với KTS Nguyễn Khánh Toàn.
Phần 1 Con hồng cháu lạc |
- Phần bốn của truyện thơ lịch sử "Con Hồng Cháu Lạc" ra đời 3 năm sau phần ba, đó là một quãng thời gian không ngắn?
- Tôi không thể dành toàn thời gian cho việc hoàn thành phần bốn, bởi lẽ còn nhiều việc khác. Tuy nhiên, vào những thời điểm giàu cảm hứng nhất, tôi đã tập trung cho tập sách này. Mặt khác, càng về sau thì tư liệu lịch sử càng nhiều hơn và cũng phức tạp hơn, đồng nghĩa với việc mất nhiều thời gian để suy nghĩ, nghiền ngẫm sáng tạo. Đây là công việc khoa học chứ không phải là cảm xúc đơn thuần.
- Phần bốn của truyện thơ bao trùm hai triều đại với hàng loạt dấu ấn vô cùng đậm nét trong lịch sử dân tộc. Đâu là những sự kiện - điểm nhấn mà anh lựa chọn?
- Các sự kiện được đề cập ở đây đều mang tính bước ngoặt, phản ánh bản chất diễn biến thời cuộc. Phần bốn bao trùm toàn bộ triều đại nhà Trần, từ khi manh nha cho tới khi lụi tàn; từ khi Trần Thủ Độ, bằng sự quyền biến mưu lược đã đưa Đại Việt vượt qua giai đoạn ngàn cân treo sợi tóc sang một giai đoạn mới. Đó là điểm tựa cho sự phát triển cực thịnh sau này, để triều Trần ba lần chiến đấu và chiến thắng đế chế Nguyên Mông, xây dựng nên một nền văn hóa với hào khí Đông A, để thống nhất các môn phái trong thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể quên Huyền Trân công chúa cành vàng lá ngọc mà cuộc đời lắm nỗi truân chuyên, nhưng cũng nhờ việc bà kết duyên mà lãnh thổ của tổ tiên mở rộng hơn về phương Nam.
Vương triều Hồ tồn tại không lâu, tuy nhiên, cũng cần phải làm rõ cái tâm và cái tầm của Hồ Quý Ly với non sông đất nước. Không phải tự nhiên mà ông có những quyết định táo bạo như vậy, đó là sự kế thừa tinh thần dân tộc tự ngàn xưa. Đó cũng là sự khẳng định bước tiến xa của dân tộc trên con đường khẳng định quyền độc lập và tự chủ.
- Đâu là những đoạn thơ anh tâm đắc nhất?
- Nếu phải lựa chọn thì đó là những đoạn nói về Thái sư Trần Thủ Độ; những đoạn lột tả thần thái của Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn khi phá thế bao vây của quân thù; là những bài giảng pháp với phong thái ung dung tự tại của Phật hoàng Trần Nhân Tông; là nỗi đắng cay chìm nổi của công chúa Huyền Trân; rồi là những suy tư và định liệu của vua Hồ Quý Ly với mong muốn quốc gia được hưng thịnh…
- Không phải là nhà sử học, liệu quá trình xử lý tư liệu, chuyển thành truyện thơ trong phần này có khiến anh gặp nhiều khó khăn?
- Tôi viết bộ truyện thơ này với trách nhiệm của một người con đối với cơ nghiệp ông cha, và với tư duy của người làm công tác khoa học. Thách thức ở chỗ là làm sao để chuyển những tư liệu đó thành ngôn từ mang đầy đủ sắc thái nghệ thuật, phát huy được hết cái hay, cái đẹp của tiếng Việt mà không làm mất đi bản chất khoa học của sự kiện.
- Anh có thể chia sẻ về phần tiếp theo của bộ sách này?
- Phần năm với nội dung bao trùm toàn bộ thời nhà Lê, kể từ khởi nghĩa Lam Sơn cho tới khi nhà Lê lụi tàn và nhà Nguyễn kế nghiệp. Đây là một thời kỳ rất dài, nguồn tư liệu rất phong phú và đa chiều, đòi hỏi thời gian và công sức để có cái nhìn thấu đáo và trách nhiệm. Vì vậy, có lẽ phải mất 2 đến 3 năm mới có thể hoàn thành.
- Xin chân thành cảm ơn và chúc anh thành công!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.