Theo dõi Báo Hànộimới trên

Viện phí tiếp tục tăng: Bệnh nhân và bệnh viện cùng chịu áp lực

Thu Trang| 03/07/2016 06:51

(HNM) - Dự kiến, tháng 8 tới, viện phí tiếp tục được điều chỉnh tăng và gánh nặng áp lực không chỉ tăng trên vai bệnh nhân mà cả các bệnh viện với yêu cầu bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh tương xứng với mức phí.



Dự kiến, tháng 8 tới, viện phí tiếp tục được điều chỉnh tăng và gánh nặng áp lực không chỉ tăng trên vai bệnh nhân mà cả các bệnh viện với yêu cầu bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh tương xứng với mức phí.

Tăng viện phí hướng tới mục đích nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.


Cải thiện chưa nhiều

Ngày 1-3, liên bộ Y tế - Tài chính đã có đợt điều chỉnh giá với gần 1.900 loại dịch vụ kỹ thuật y tế, mức tăng bình quân khoảng 30% và chỉ áp dụng cho bệnh nhân có BHYT. Theo đó, 1.400 bệnh viện trên toàn quốc đều thu viện phí theo mức mới, gồm phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, chi phí trực tiếp cho người bệnh.

Theo quy định, các cơ sở y tế phải dành tối thiểu 5% từ nguồn thu để nâng cấp, cải tạo cơ sở khám chữa bệnh, tăng giường bệnh; mua bổ sung, thay mới chăn ga, gối đệm, quạt... để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Từ tháng 3 đến nay, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra về chất lượng dịch vụ y tế sau khi tăng viện phí. Kết quả cho thấy, chất lượng tại một số bệnh viện đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra như vụ sập trần ở Bệnh viện Nhi trung ương và Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương, nhân viên y tế Bệnh viện K trung ương nhận phong bì của người bệnh, nhân viên tại Bệnh viện Bạch Mai “nấu cháo” điện thoại trong giờ làm việc, bỏ mặc bệnh nhân chờ đợi… Thậm chí, tại Bệnh viện K trung ương, hiện tượng quá tải bệnh nhân vẫn diễn ra và cũng là cơ sở bị người dân phàn nàn nhiều nhất qua hệ thống đường dây nóng của Bộ Y tế về tình trạng “cò mồi”, nhân viên y tế nhũng nhiễu, vòi vĩnh bệnh nhân.

Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng tiến hành đánh giá việc thực hiện “Bệnh viện vệ sinh” tại hơn 250 bệnh viện, kết quả cho thấy, nhiều nhà vệ sinh của các bệnh viện không đạt tiêu chuẩn, không có xà phòng, xả rác bừa bãi, sử dụng ga giường bệnh cũ… Chỉ gần 23% bệnh viện bảo đảm các phòng cách ly có nhà vệ sinh riêng; gần 53% bệnh viện có buồng vệ sinh với bồn rửa tay có nước sạch, xà phòng, khăn lau tay…

Áp lực tăng cao

Dự kiến vào tháng 8 tới, giá viện phí tiếp tục tăng với phạm vi áp dụng ở 10 tỉnh, thành phố có số người dân tham gia BHYT đạt 90-95% trở lên. Ở lần điều chỉnh trước, giá dịch vụ y tế mới có cộng thêm phụ cấp trực ngày giường và phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật. Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế tới sẽ cộng thêm lương của nhân viên y tế và nằm trong lộ trình đã định trước.

Được biết, với việc đưa lương vào viện phí, đợt điều chỉnh lần này sẽ có hàng chục nghìn dịch vụ kỹ thuật tăng giá, với mức tăng trung bình khoảng 50%. Do đó, với các dịch vụ sử dụng ít nhân lực, chi phí tiền lương trong giá dịch vụ thấp như: Chẩn đoán, chiếu chụp, xét nghiệm… sẽ có mức tăng thấp hơn. Ngược lại, những dịch vụ kỹ thuật có chi phí tiền lương cao với sự tham gia của nhiều nhân viên y tế như: Các phẫu thuật nặng được xếp loại đặc biệt, loại 1 có tới 7-8 bác sĩ tham gia kíp mổ… mức phí sẽ tăng cao. Ví dụ, giá ngày giường điều trị hồi sức tích cực (ICU)/ghép tạng/ghép tủy/ghép tế bào gốc sẽ điều chỉnh dao động ở mức 570.000 đồng - 680.000 đồng (trong khi đợt điều chỉnh tháng 3-2016 chỉ tăng lên mức 350.000 đồng); giá giường bệnh nội khoa tại bệnh viện hạng đặc biệt sẽ điều chỉnh lên gần 220.000 đồng (giá vào tháng 3 là 99.000 đồng)…

Ông Nguyễn Nam Liên cho biết, mức viện phí mới sẽ áp dụng cho mọi đối tượng nên sẽ có tác động đến tất cả người bệnh. Hiện vẫn còn 23,5% dân số chưa tham gia BHYT và đây là nhóm có thể chịu gánh nặng rất lớn nếu không may mắc bệnh nặng.

Mỗi đợt giá dịch vụ y tế được điều chỉnh, dư luận lại băn khoăn, người bệnh sẽ “được gì”? Viện phí tăng có giúp các bệnh viện nâng cao chất lượng dịch vụ y tế? Về vấn đề này, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho rằng, tăng viện phí chỉ là một trong rất nhiều điều kiện để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Điều mà người bệnh “nhận” nhiều nhất sau khi tăng viện phí là cơ hội được cơ quan BHXH bảo vệ quyền lợi, không phải nộp thêm những khoản tiền phi lý mà một số bệnh viện yêu cầu hiện nay. Thêm vào đó là tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định, muốn có sự hài lòng của người bệnh thì chất lượng là vấn đề sống còn, đặc biệt khi ngành Y tế điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ. Thế nhưng, hiện cả nước chỉ có 2 bệnh viện tư đạt chứng chỉ JCI (Joint Commission International) - một chứng nhận chất lượng y tế uy tín quốc tế. Do đó, các bệnh viện phải tập trung nâng cao chất lượng, trong đó quan trọng nhất là chất lượng nguồn nhân lực, tiếp đến là xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, đầu tư trang thiết bị hiện đại và tập trung đổi mới phong cách, thái độ phục vụ bệnh nhân.

Khi Bộ Y tế đưa ra quyết định tăng giá dịch vụ y tế theo lộ trình tính đúng, tính đủ, thực chất, các bệnh viện đã thực sự bước vào giai đoạn chịu áp lực lớn. Bởi khi không còn "bầu sữa" ngân sách thì nguồn thu chính sẽ đến từ người bệnh. Không nâng chất lượng, thay đổi phong cách phục vụ, người bệnh sẽ không đến và như vậy bệnh viện sẽ không có nguồn thu và không thể duy trì hoạt động.

Tới đây, Bộ Y tế sẽ công khai chất lượng các bệnh viện thông qua 83 tiêu chí và đánh giá mức độ hài lòng của người bệnh qua các đợt kiểm tra vừa qua. Căn cứ vào kết quả đánh giá này, BHXH Việt Nam sẽ điều chỉnh hợp đồng BHYT với các bệnh viện.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Viện phí tiếp tục tăng: Bệnh nhân và bệnh viện cùng chịu áp lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.