Khoảng 350 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng giá. Chẳng hạn, theo đề xuất của Bộ Y tế, giá ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu là 30.000-120.000 đồng (tăng 4-7 lần so với khung giá cũ). Như thế, dự kiến mức đóng bảo hiểm cũng sẽ tăng.
Đây là nội dung được Bộ Y tế báo cáo tại hội nghị giao ban báo chí Trung ương ngày 13/9.
Trước đó, Bộ Y tế đã phối hợp Bộ Tài chính cùng một số bộ, cơ quan khác xây dựng Nghị định về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám, chữa bệnh công lập. Bộ Y tế có tờ trình Chính Phủ xem xét từ tháng 11/2010.
Hiện nay, tại các bệnh viện công lập, ngoại trừ các khoa khám bệnh theo yêu cầu là thu tiền khám theo chi phí thực tế, còn các bộ phận khác (như với người đi khám thẻ bảo hiểm y tế, người điều trị nội trú) đều áp dụng mức giá dịch vụ y tế cũ từ năm 1995 đã quá lạc hậu ... Chẳng hạn, tiền khám mỗi lần từ 1.000 đến 2.000 đồng, tiền giường nằm 9.000 đồng mỗi ngày, giá găng tay từ 200 đến 300 đồng (trong khi thực tế mua từ 2.500 đến 3.000 đồng)... Con số này thấp hơn rất nhiều so với chi phí thực mà bệnh viện phải bỏ ra, do vậy, theo ước tính của Bộ Y tế, nếu khung viện phí không thay đổi, các bệnh viện phải chịu lỗ rất nhiều, nhất là các tuyến huyện có nguy cơ phải đóng cửa (do ít hoặc không có thu từ người khám bệnh theo yêu cầu để bù vào khoản lỗ).
Theo tiến sĩ Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế), hiện nay 60% dân số đã có thẻ bảo hiểm y tế, nên nếu không điều chỉnh viện phí thì bệnh viện sẽ không có nguồn kinh phí để nâng cao chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, việc thanh toán với mức thấp dẫn đến có trường hợp bệnh viện yêu cầu người bệnh đóng thêm hoặc không thực hiện dịch vụ mà yêu cầu người bệnh đi nơi khác, gây phiền hà cho người bệnh có thẻ bảo hiểm.
Chính vì thế, việc điều chỉnh giá theo hướng tính đúng, tính đủ là điều cần thiết để vừa đảm bảo lợi ích của người dân đóng bảo hiểm y tế (do sẽ được bảo hiểm thanh toán cao hơn) và cả các bệnh viện.
Theo đề nghị này, việc tăng giá viện phí sẽ được thực hiện theo lộ trình. Trong giai đoạn 2011-2012, khi chờ Chính phủ phê duyệt Nghị định, sẽ điều chỉnh giá của khoảng 350 dịch vụ y tế trong số khoảng 3.000 dịch vụ (là các chi phí liên quan trực tiếp đến khám, chữa). Từ năm 2013 trở đi, khi Nghị định đã được phê duyệt thì sẽ chuyển từ thanh toán theo phí dịch vụ sang thanh toán trọn gói, thanh toán theo định suất với người có thẻ bảo hiểm y tế.
Theo đề xuất của Bộ Y tế, giá dịch vụ khám bệnh sẽ tăng từ 6.000 đồng đến 25.000 đồng mỗi lần (thay cho mức giá cũ là 500 đồng đến 3.000 đồng), tùy theo từng hạng bệnh viện. Đối với các phẫu thuật, thủ thuật sẽ điều chỉnh khung giá theo từng loại cụ thể. Ví dụ, đối với thủ thuật cắt amidan trước đây có chi phí là 20.000 đên 40.000 đồng mỗi ca nay điều chỉnh tăng lên là 600.000-700.000 đồng mỗi ca.
Ngày 10/9 vừa qua, hội đồng thẩm định đã tổ chức thẩm định buổi đầu tiên.
Bộ Y tế dự báo, việc điều chỉnh lần này tác động theo hướng tích cực đến người bệnh vì chỉ điều chỉnh khoảng 10% số dịch vụ kỹ thuật y tế đang thực hiện, trong khi trong tổng số viện phí mà người bệnh thanh toán, chi phí cho các dịch vụ kỹ thuật chỉ chiếm khoảng một phần ba. Bên cạnh đó, trong giai đoạn đầu, quỹ bảo hiểm có khả năng cân đối được với mức điều chỉnh này, sau đó sẽ tính điều chỉnh mức đóng BHYT.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.