Đó là niềm tin của ông Nguyễn Minh Thảo (ảnh), Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam khi trao đổi xung quanh việc tăng giá viện phí và chi trả và phí mua bảo hiểm y tế.
Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam
Thưa ông, việc tăng viện phí sẽ dẫn đến việc quỹ bảo hiểm y tế phải tăng mức chi trả. Vậy mức tăng này sẽ tác động như thế nào tới quỹ BHYT? BHXH đã tính toán mức tăng phí mua BHYT như thế nào?
Với mức giá viện phí của 350 dịch vụ y tế mà các bệnh viện đề nghị hiện nay thì mức chi thêm của quỹ BHYT trong một năm sẽ tăng thêm khoảng 12 - 15 ngàn tỉ. Tuy nhiên, mức giá này chưa được Bộ Y tế chấp nhận mà đã giao tổ thẩm định giá độc lập tính toán lại cho đúng.
Mức độ tác động như thế nào đang cùng Bộ Y tế đánh giá tác động. Tính được mức độ tác động bao nhiêu sẽ có kiến nghị với chính phủ điều chỉnh phí BHYT.
Ông đánh giá như thế nào về mức tăng viện phí mà các bệnh viện đề xuất?
Theo thông lệ tự nhiên, các bệnh viện bao giờ cũng muốn đề nghị một mức giá tốt nhất, mang lại lợi ích cho các bệnh viện. Nhưng khi thẩm định giá, chúng ta phải căn cứ vào điều kiện thực tế của Việt Nam. Tôi tin chắc chắn mức giá viện phí này sẽ được điều chỉnh giảm chứ không như mức độ bệnh viện đề nghị. Còn mức độ điều chỉnh như thế nào phải chờ hội đồng thẩm định công bố.
Tới đây, trách nhiệm Bộ Y tế rất nặng nề để thẩm định giá này. Cơ quan BHXH cũng cử người tham gia hội đồng thẩm định. Tôi tin, Bộ Y tế làm việc rất khách quan vì trong tổ thẩm định giá độc lập không có thành viên là từ các bệnh viện.
Việc tăng giá viện phí lần này có tác động tới lộ trình thực hiện BHYT toàn dân không, thưa ông? Những đối tượng nào sẽ bị tác động mạnh nhất trong đợt tăng giá này? BHXH có phương án gì để giúp đỡ những đối tượng phải chịu tác động mạnh của viện phí?
Chắc chắn sẽ tác động. Nếu giá viện phí tăng sẽ cần phải đẩy nhanh lộ trình thực hiện y tế toàn dân. Theo lộ trình đến năm 2014 - 2015 sẽ có khoảng 75% người dân tham gia BHYT, nhưng nếu giá viện phí tăng, lộ trình này phải đẩy nhanh, đến giai đoạn đó phải đạt 85% dân số tham gia BHYT. Khi có BHYT, mức độ tác động của việc tăng giá viện phí sẽ giảm hơn.
Hiện tại, với 40% người dân chưa có thẻ BHYT, chúng tôi rất lo vì trong số này rất nhiều đối tượng nghèo, ở các vùng nông thôn với mức thu nhập thấp, không ổn định... Nếu không đẩy nhanh độ bao phủ của BHYT thì tác động của tăng viện phí rất phức tạp.
40% dân chưa có BHYT sẽ chịu tác động mạnh nhất của đợt tăng viện phí này.
Ảnh: H.Hải
Vì thế, cần tuyên truyền, vận động người dân, tham gia ngay từ đầu khi khỏe, không may ốm đau đã có quỹ chi trả. Nếu mình không phải sử dụng cũng để hỗ trợ cho người khác, đó là trách nhiệm, nghĩa vụ cộng đồng. Ngoài ra, các tổ chức xã hội, ngân sách địa phương có thể chung tay hỗ trợ… hoàn toàn tin có thể thực hiện BHYT cho người cận nghèo.
Ngoài ra, phải đặt ra mức trần chi trả để đối tượng có thẻ BHYT đỡ bị tác động. Vì với mức cùng chi trả 20% với giá viện phí trước thì thấp, nhưng điều chỉnh giá viện phí, mức này cùng tăng lên. Việc điều chỉnh có mức trần tối đa cùng chi trả, ví dụ trần chi trả từ 6 đến 12 tháng lương tối thiểu/năm chẳng hạn để giảm bớt chi tiền túi của người bệnh nặng.
Ví dụ bệnh nhân suy thận mức chi một năm khoảng 100 triệu, họ phải đóng 20 triệu. Tới đây tăng lên, họ phải chi trả thêm khoảng 25 triệu. Nếu có quy định mức trần chi trả, giới hạn 12 tháng lương thì tối đa trong một năm họ chỉ phải chi trả 10 triệu, vượt lên cơ quan BHXH sẽ phải chi trả.
Tuy nhiên cũng phải có điều kiện kèm theo. Mức đóng BHYT hiện nay khoảng 500 ngàn (25USD), mức đóng thấp nhất trong khu vực và quốc tế thế mà chúng ta không giới hạn mức hưởng. Cá biệt có người được BHYT thanh toán tới 600 triệu một năm, còn mức 100 triệu khá nhiều, nên đặt ra giới hạn. Nếu có giới hạn, buộc thầy thuốc trao đổi người bệnh chọn những giải pháp điều trị tiết kiệm hơn.
Ngoài ra, tôi cũng đề nghị giải pháp tài chính y tế quốc gia, sau này chi thường xuyên hỗ trợ cho các bệnh viện sẽ chuyển dần sang hỗ trợ trực tiếp cho người dân được mua BHYT.
Theo ông, việc tăng giá viện phí có giúp giảm bớt các tiêu cực trong quá trình người dân đi khám bệnh?
Nếu chúng ta đưa ra mức viện phí tốt sẽ kiểm soát được tất cả những việc chưa đúng của bệnh viện, buộc bệnh viện phải làm đúng. Ví như thu thêm tiền là không được, vì đã tính đúng tính đủ rồi, không được thu thêm của người bệnh. Hay với những khu khám dịch vụ, khám theo yêu cầu, thì liệu đó có phải khám theo yêu cầu khôngg? Vì bệnh viện được biên chế 5 bác sĩ khám bệnh, bệnh viện bớt đi một bác sĩ sang khám dịch vụ, buộc những người khác phải chờ thêm. Những cái này điều chỉnh sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người bệnh.
Theo ông, mức viện phí mới có được đưa ra cuối năm nay không?
Chúng ta còn 3 tháng với 350 dịch vụ phải tính toán, thẩm định giá. Nếu hội đồng ngồi một cách trách nhiệm, trong 1 - 2 tháng là hoàn toàn có thể làm xong. Hội đồng kỳ này rất mừng vì Bộ Y tế làm độc lập, không để các bệnh viện ngồi vào nữa. Tin chắc, việc làm sẽ khách quan. Tôi cũng chưa đề nghị chính thức Bộ Y tế, nhưng nếu Bộ Y tế có thể công khai giá này lên website Bộ Y tế để người dân xem, góp ý sẽ tạo sự đồng thuận tốt hơn từ cộng đồng trong việc tăng viện phí này. Vì viện phí chắc chắn phải thay đổi giá bởi giá đó đã quá lạc hậu, không phù hợp với thực tế khám chữa bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.