(HNM) - Sóng gió đã nổi lên trong quan hệ giữa Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với Pakistan, đồng minh chiến lược trong cuộc chiến chống khủng bố tại Nam Á.
Nếu coi vụ tấn công của NATO ngày 26-11, vào một chốt kiểm soát quân sự của Pakistan, gần biên giới với Afghanistan, là "viên đạn lạc" thì đây là viên đạn chết người, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bởi, vụ không kích "nhầm" ấy không chỉ khiến 24 binh sĩ Pakistan thiệt mạng, 15 người khác bị thương mà tiếp sau đó, nó đã đánh tụt quan hệ giữa các nước phương Tây với đồng minh quan trọng ở khu vực này.
Quân đội Pakistan tổ chức tang lễ cho các binh sĩ thiệt mạng trong vụ không kích “nhầm” của NATO. |
Ngay sau vụ tấn công, Thủ tướng Pakistan Yusuf Raza Gilani đã bày tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ nhất. Còn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này, Tehmina Janjua miêu tả, vụ không kích này là "một cuộc tấn công vào chủ quyền" của Pakistan. Đến cuối ngày 26-11, sau cuộc họp bất thường của Ủy ban Quốc phòng Nội các (DCC), gồm những bộ trưởng nội các cấp cao và các tư lệnh quân đội, do Thủ tướng Yusuf Raza Gilani chủ trì, Islamabad đã quyết định xem xét lại quan hệ với Mỹ và NATO. Theo đó, Chính phủ Pakistan sẽ "tiến hành rà soát lại toàn bộ các chương trình, hoạt động cũng như các thỏa thuận hợp tác với Mỹ/NATO/ISAF (Lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế), bao gồm các lĩnh vực ngoại giao, chính trị, quân sự và tình báo". Đồng thời, DCC giữ nguyên quyết định phong tỏa tuyến đường tiếp tế của NATO cho lực lượng ở Afghanistan, khiến khoảng 300 xe tải chở hàng tiếp tế bị mắc kẹt tại biên giới Pakistan - Afghanistan. DCC cũng kêu gọi Mỹ rời khỏi căn cứ không quân Shamsi ở tỉnh Balochistan trong vòng 15 ngày. Đây là nơi được cho là phát động các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA).
Trong khi đó, các nước phương Tây đã có hành động xoa dịu. Ngày 27-11, Tổng Thư ký NATO, Anders Fogh Rasmussen viết thư cho Thủ tướng Y.R.Gilani, bày tỏ lấy làm tiếc về cái chết "đáng tiếc và không mong đợi" của 24 binh sĩ Pakistan. Trước đó, các quan chức dân sự và quân sự Mỹ đã gửi lời chia buồn đến những người đồng cấp của họ ở Pakistan. Tư lệnh Mỹ tại Afghanistan, Tướng John Allen đã cam kết sẽ mở một cuộc điều tra toàn diện về vụ này, đồng thời gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình những binh sĩ Pakistan bị thiệt mạng và bị thương. Tuy nhiên, điều này đã không làm giảm bớt sự giận dữ đang bùng lên của người dân tại Islamabad. Trong hai ngày 26 và 27-11, hàng nghìn người Pakistan đã tụ tập bên ngoài Lãnh sự quán của Mỹ tại thành phố Karachi để phản đối vụ không kích. Rõ ràng, cuộc tấn công gây thương vong nặng nề này đã giáng một đòn mạnh vào các nỗ lực của Mỹ nhằm tái thiết quan hệ với Pakistan.
Trước đó, mối quan hệ đã "sứt mẻ" sau vụ các lực lượng đặc nhiệm Mỹ đột kích giết chết trùm khủng bố Osama bin Laden ở thị trấn Abbottabad, nằm sâu trong lãnh thổ Pakistan (tháng 5-2011). Tiếp đó, vào trung tuần tháng 7-2011, Washington đã đình chỉ khoản viện trợ trị giá 800 triệu USD cho quân đội Pakistan để phản ứng quyết định trục xuất hơn 100 quân nhân Mỹ cũng như từ chối cấp thị thực nhập cảnh cho các sĩ quan quân đội Mỹ của Islamabad. Đáp trả hành động này, Islamabad đã rút binh sĩ tại gần 1.100 điểm kiểm soát bố trí dọc biên giới chung Pakistan - Afghanistan, giáng một đòn mạnh vào việc thành bại trong cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ phát động. Bởi khu vực này là nơi chỉ huy mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda, Al-Zawahiri đang ẩn náu.
Dư luận cho rằng, khi mà mâu thuẫn cũ chưa được hóa giải thì sự việc vừa xảy ra đã và đang tạo ra những rào cản mới giữa hai bên. Căng thẳng ấy vẫn đang diễn ra và chắc chắn không thể dễ hạ nhiệt sức nóng ấy trong tương lai gần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.