Theo dõi Báo Hànộimới trên

Viễn cảnh một “Somalia mới”

Vân Khanh| 22/05/2014 06:15

(HNM) - Lực lượng tự xưng

Không lâu sau, thủ đô Tripoli cũng ngập tiếng súng khi đội quân này xông vào trụ sở Quốc hội với lý do "tiễu trừ một số phần tử Hồi giáo cực đoan" trong cơ quan dân cử. Tình hình Libya trở nên cực kỳ hỗn loạn với những vụ bạo lực được đánh giá là nghiêm trọng nhất kể từ sau sự sụp đổ của chế độ cựu Tổng thống Muammar Gaddafi năm 2011.

Bạo lực lan tràn trở lại tại Libya.



Sự thật là hơn 3 năm sau khi "Mùa xuân Libya" thành công, quốc gia Bắc Phi này chưa hề được sống một ngày trong yên bình. Đắng cay nằm ở chỗ, Libya đã có khởi đầu đầy lợi thế so với các quốc gia láng giềng cùng bị cơn gió cải cách tràn qua. Số tiền mà cựu Tổng thống M.Gaddafi để lại cho ngân khố quốc gia lên tới 100 tỷ USD trong khi dân số vỏn vẹn chỉ có gần 5 triệu người. Thành công của các ứng viên thế tục trong cuộc bầu cử tự do cũng làm bùng lên hy vọng rằng, đất nước bị tàn phá nặng nề vì nội chiến này sẽ nhanh chóng hướng đến một nền dân chủ trên cơ sở của một nền tảng thuận lợi. Tuy nhiên, thực tế thì cả hai chính phủ nắm quyền sau cuộc cách mạng ở Tripoli đều đã thất bại trong việc giải quyết các vấn đề của đất nước. Do nỗi lo sợ về sự trở lại của chế độ độc tài nên phần lớn quyền lực tại quốc gia Bắc Phi này lại được trao cho Quốc hội lâm thời Libya (GNC) mà không nằm trong tay chính phủ. Nói một cách thẳng thắn thì từ Thủ tướng đến các thành viên nội các ở Libya đều gần như không có bất cứ một quyền hành thực tế lẫn công cụ cần thiết nào để lãnh đạo đất nước. Trong khi đó, sự có mặt của nhiều đảng phái Hồi giáo trong Quốc hội cũng đồng nghĩa với việc cơ quan này không thể làm gì để ngăn chặn sự nổi lên của những nhóm Hồi giáo đang mọc ra nhan nhản ở Libya. Hệ quả của một chính thể kỳ cục này là chẳng có lực lượng nào tại Libya thực sự kiểm soát đất nước. Libya thời hậu Gaddafi bị chia năm xẻ bảy trong sự "quân hồi vô phèng" của các nhóm phiến quân, sự cạnh tranh chồng chéo giữa các tiểu khu vực với những bộ lạc vốn có mối ác cảm lâu dài với nhau lẫn sự xung đột về hệ tư tưởng giữa các lực lượng cấp tiến và Hồi giáo cực đoan, chủ yếu ở khu vực phía Đông.

Thực trạng chính trị "không giống ai" cũng là nguyên nhân dẫn đến một nền kinh tế hỗn độn ở Libya. Từng nổi tiếng bởi những giếng dầu có chất lượng thuộc loại tốt nhất thế giới, nhưng ngành công nghiệp mang đến phần lớn của cải cho quốc gia bên bờ Địa Trung Hải giờ đây gần như bị tê liệt khi các nhóm phiến quân "mạnh ai nấy được" tranh giành kiểm soát đối với các giếng dầu và cảng biển. Năng lực hành pháp ở "con số 0" cũng khiến việc quản lý của chính phủ đối với các nguồn lực kinh tế của đất nước cũng như với từng đơn vị cấu thành nền kinh tế cũng ở mức đáy. Hậu quả tất yếu là tình trạng tham nhũng tràn lan làm dân chúng vô cùng ai oán. Về mặt xã hội, với sự trỗi dậy không bị hạn chế của các nhóm vũ trang, an ninh trật tự là rủi ro lớn nhất. Đến nay, không một lực lượng nào có đủ khả năng để đưa ra một chính sách hiệu quả nhằm thu hồi hàng triệu loại vũ khí đang trôi nổi khắp từng con phố, từng ngôi làng. Do đó, khó khăn hàng đầu đặt ra cho Libya là nguy cơ bị trở thành một "Somalia thứ hai". Trong đó, các nhóm chiến binh tự do dùng súng đạn để giải quyết mâu thuẫn và tìm kiếm lợi ích, giữa lúc dân lành cũng phải tự trang bị vũ khí để tự vệ vì lực lượng an ninh chính phủ không đủ sức thực hiện nhu cầu tối thiểu này của người dân.

Do đó, không có nhiều tin tưởng về việc quyết định giải tán Quốc hội của chính phủ lâm thời, nhằm tránh mối nguy Libya một lần nữa rơi xuống bờ vực nội chiến sẽ đem lại hiệu quả tích cực. Thậm chí một cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 7 tới cũng khó lòng đạt được mục tiêu đưa quốc gia Bắc Phi tiến vào một quá trình chuyển tiếp thuận lợi. Dù đã thay đến 3 thủ tướng trong vòng hai tháng, tình hình Libya chẳng những không tốt lên mà còn tệ hại hơn với mối lo bạo lực tràn lan trở lại. Tuy nhiên, nếu không có một sự thay đổi toàn diện về cơ cấu và mang tính hệ thống, chẳng có một thế lực thần kỳ nào sẽ lập lại được trật tự tại nước này và người dân Libya sẽ còn rất lâu mới được chứng kiến một nền hòa bình, dân chủ đúng nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viễn cảnh một “Somalia mới”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.