(HNM) - Bệnh viêm màng não mủ (VMNM) ở trẻ em hiện đang có chiều hướng gia tăng ở nhiều tỉnh, thành phố. Mùa hè thường là thời điểm bùng phát dịch VMNM và tại Bệnh viện Nhi TƯ đã xuất hiện các bệnh nhân đến điều trị.
(HNM) - Bệnh viêm màng não mủ (VMNM) ở trẻ em hiện đang có chiều hướng gia tăng ở nhiều tỉnh, thành phố. Mùa hè thường là thời điểm bùng phát dịch VMNM và tại Bệnh viện Nhi TƯ đã xuất hiện các bệnh nhân đến điều trị.Trước thực trạng này, nhiều người cảm thấy lo lắng vì không hiểu rõ căn nguyên của bệnh và việc tiêm vắc-xin để phòng bệnh ra sao.
Sở Y tế Hà Nội đã bắt đầu các chiến dịch tuyên truyền phòng bệnh đến người dân qua các tờ rơi, trên hệ thống loa phát thanh của phường, xã... Bệnh VMNM là hiện tượng viêm màng não biểu hiện bằng việc tăng thất thường số lượng bạch cầu trong dịch não tủy. Các dấu hiệu của VMNM thường khởi phát cấp tính, khó chẩn đoán, hay để lại di chứng và tỷ lệ tử vong cao. VMNM có thể do nhiều loại vi khuẩn gây nên, trong đó phổ biến là do phế cầu khuẩn, trực khuẩn Hib và não mô cầu. 3 loại này chiếm tỷ lệ 80% các trường hợp bị bệnh.
Viêm màng não do mô cầu lây truyền qua đường hô hấp do hít phải giọt nước bọt của người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn. Vi khuẩn đột nhập qua đường mũi họng, xâm nhập vào máu gây nhiễm khuẩn máu. Bệnh lây truyền mạnh trong thời kỳ khởi phát, do đó nếu được sử dụng kháng sinh, vi khuẩn sẽ biến mất khỏi đường mũi họng trong vòng 24 giờ. Tỷ lệ tử vong của bệnh khoảng từ 5 đến 15%.Để phòng ngừa cho những người có nguy cơ mắc bệnh cao hoặc những đối tượng sức đề kháng yếu như trẻ em, có thể sử dụng vắc-xin tiêm dưới da hoặc tiêm bắp 0,5ml.Tiêm 1 liều cho trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên, còn trẻ dưới 18 tháng tuổi phải tiêm 2 đến 3 liều. Hiệu quả bảo vệ của vắc-xin trong vòng 3 năm.
Viêm màng não do trực khuẩn Hib rất hay gặp ở nước ta. Vi khuẩn này thường gây bệnh cho trẻ dưới 18 tháng tuổi. Trẻ mắc bệnh có thể qua khỏi khi điều trị sớm nhưng sẽ có di chứng như điếc và rối loạn tâm thần. Hib cũng có thể gây ra viêm nắp thanh quản, viêm tế bào, viêm khớp và viêm phổi. Các vắc xin thường dùng là Act-Hib và Hiberix, ngoài ra còn có vắc-xin phối hợp như Tetract-Hib (phòng 4 bệnh: ho gà, bạch hầu, uốn ván và Hib). Vắc-xin được tiêm dưới da hoặc tiêm bắp cho trẻ từ 2 tháng tuổi với liều 0,5ml.
Viêm màng não do phế cầu khuẩn hay xuất hiện ở những nước đang phát triển với tỷ lệ mắc tương đối cao, nhất là những người bị suy giảm miễn dịch, người bị cắt lách, suy chức năng gan, thận, mắc bệnh tim, phổi, đái tháo đường... Tỷ lệ tử vong do bệnh này ở Việt Nam từ 10% đến 30%. Để phòng bệnh, chỉ cần tiêm 1 liều vắc-xin duy nhất (0,5ml), tiêm bắp hoặc dưới da và tiêm nhắc lại sau 5 năm. Hiệu lực bảo vệ của vắc- xin lên đến 90%.
Khi đưa con, em mình đi tiêm phòng bệnh VMNM theo hình thức dịch vụ, mọi người nhất thiết phải yêu cầu nhân viên y tế cho kiểm tra nhãn, mác loại vắc-xin được tiêm xem có đúng là vắc xin viêm màng não hay không để tránh tình trạng tiêm nhầm vắc-xin giống như trường hợp của cháu P.T.H, 2 tuổi (lịch hẹn tiêm phòng vắc-xin ho gà-uốn ván- bạch hầu nhưng y tá lại tiêm sang vắc xin viêm não Nhật Bản B) tại phường Kim Mã ngày 18-5 vừa qua. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên chú ý kiểm tra hạn sử dụng của văc-xin.
Vân Anh
Tạm đình chỉ công tác y tá đã tiêm nhầm vắc xin Ngày 22-5, Thanh tra Sở Y tế đã có buổi làm việc với Trạm Y tế Dự phòng phường Kim Mã (quận Ba Đình) về sự cố tiêm nhầm vắc-xin ngày 18-5 cho bé P.T.H. Báo cáo của Trạm Y tế Dự phòng phường Kim Mã cho biết, 14h chiều 18-5, mẹ cháu P.T.H đưa cháu đi tiêm nhắc lại bạch hầu, ho gà, uốn ván. Thay vì tiêm vắc-xin cần thiết, y tá Đỗ Thị Ch. Lại tiêm nhầm cho cháu vắc-xin viêm não Nhật Bản. Được biết, trước đó, cháu P.T.H đã tiêm hai mũi vắc-xin viêm não Nhật Bản theo đúng lịch TCMR vào 2 ngày 11-4 và 18-4. Theo đúng quy định, mũi tiêm thứ 2 sẽ tiến hành sau 1 năm, tức là ngày 18-4-2008. Như vậy, mũi tiêm ngày 18-5 vừa qua là sai. Ông Đỗ Lê Huấn - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho rằng, mũi tiêm ngày 18-5 không có tác dụng và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu bé. Còn theo ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Y tế thì đây là lần đầu tiên Hà Nội xảy ra trường hợp tiêm nhầm vắc-xin. Lỗi là do người y tá không thực hiện đúng quy định về “3 kiểm tra, 5 đối chiếu” khi tiêm phòng, vi phạm quy chế chuyên môn. Dù chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng vẫn cần phải xử lý nghiêm. Y tá Đỗ Thị Ch. đã bị tạm đình chỉ công tác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.