(HNM) - Gần hai năm trôi qua, hàng chục hộ dân ở cụm 5, xã Ngọc Tảo (Phúc Thọ) vẫn phải tiếp tục gõ cửa các cơ quan chức năng đề nghị có biện pháp buộc ông Nguyễn Văn Sinh phải san mặt bằng khu đất sản xuất (SX) gạch thủ công trước đây (thuộc quỹ đất 1 của các hộ dân cụm 5) như quyết định mà
Chủ đầu tư vẫn chưa dỡ xong lò gạch. |
Năm 2007, ông Nguyễn Văn Sinh, lúc đó là Bí thư Chi bộ của cụm 5, xã Ngọc Tảo thuê hơn 57.000m2 đất SX nông nghiệp ở cánh đồng Mục Bài và Lải Cát của 67 hộ dân ở cụm 5 để lập dự án (DA) chuyển đổi kinh tế cây trồng, vật nuôi (được UBND huyện Phúc Thọ cho phép - PV). Sau khi thuê đất của người dân, thay vì chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Sinh đã bán DA cho người khác để làm lò gạch. Những ông chủ này đã "khoét" ruộng lấy đất làm gạch kể từ đó. Nhận thấy việc sử dụng đất sai mục đích, người dân đã gửi đơn kiến nghị đến nhiều cấp và DA của ông Sinh đã bị UBND xã Ngọc Tảo cũng như UBND huyện Phúc Thọ thanh tra từ năm 2009 và đã nêu ra những vi phạm...
Song, trái ngược với mong đợi của người dân, DA của ông Sinh vẫn tiếp tục được thực hiện mặc dù trên phần đất đó không có DA chuyển đổi cây trồng nào mà chỉ có DA làm gạch thủ công? Vì vậy, đất ruộng của 67 hộ dân và một phần diện tích đất công của UBND xã vẫn bị ông Sinh và các chủ lò gạch "xẻ thịt". Chỉ đến khi khiếu kiện của người dân lên đến đỉnh điểm thì UBND huyện Phúc Thọ mới ban hành Quyết định 2960/QĐ-UBND ngày 21-9-2011, trong đó yêu cầu ông Sinh phải đình chỉ SX gạch nung và san trả mặt bằng ruộng cho các hộ dân, thời hạn xong trước ngày 31-12-2011 (Báo Hànộimới đã phản ánh thông tin này ngày 8-6-2013 với tiêu đề "Việc san trả ruộng cho người dân xã Ngọc Tảo: Chùng chình đến bao giờ?").
Những tưởng, sau khi có quyết định, việc san trả ruộng cho người dân sẽ được thực hiện. Nhưng đã ngót hai năm chờ đợi, việc thực hiện vẫn chưa có kết quả. Càng bức xúc hơn khi trong những ngày cuối tháng 11-2013 vừa qua, những ông chủ lò gạch vẫn cố xúc đất ở khu vực này mang đi bán. Chỉ đến khi bị người dân phát hiện và có sự can thiệp của lực lượng công an thì việc làm sai trái này mới được dừng lại.
Ông Đỗ Văn Vân, đại diện 67 hộ dân có ruộng ở cánh đồng Mục Bài, Lải Cát bất bình: "Kết cục như ngày hôm nay là lỗi ở các cơ quan chức năng khi buông lỏng quản lý, không xử lý nghiêm vi phạm của chủ đầu tư khiến người dân phải thiệt đơn, thiệt kép. Hiện còn hàng nghìn mét vuông đất bị đào sâu 5 đến 6 mét, chưa biết chủ đầu tư mang đất ở đâu đến lấp trả mặt bằng ruộng cho chúng tôi. Lẽ ra các cơ quan chức năng phải có biện pháp, buộc người vi phạm nghiêm chỉnh chấp hành và khắc phục thiệt hại, nhưng hiện nay chúng tôi phải cắt cử người trông nom vì chủ đầu tư không thực hiện nghiêm túc các cam kết…". Trong khi đó, trao đổi về việc này, ông Khuất Duy Hùng, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Phúc Thọ khẳng định: Việc san trả mặt bằng ruộng cho người dân là nhiệm vụ của UBND xã, UBND huyện không thể làm thay. Huyện đã và đang chỉ đạo, đôn đốc xã rất quyết liệt…
Hiện nay, tại khu vực này, chủ đầu tư mới đang tiến hành dỡ bỏ phần lò gạch và di chuyển nốt số gạch còn lại, chưa có bất cứ một động thái nào cho thấy việc san trả mặt bằng ruộng cho người dân được thực hiện. Thiết nghĩ, nếu UBND huyện Phúc Thọ sát sao trong chỉ đạo điều hành, không buông lỏng trong công tác quản lý thì vi phạm đã không đến mức nghiêm trọng như hiện nay? Đề nghị UBND huyện Phúc Thọ có biện pháp giám sát để việc san trả mặt bằng ruộng cho người dân thực hiện đúng quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.