(HNM) - Tại sự kiện Ngày trái đất năm 2019 vừa diễn ra tại hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm), những gian hàng đổi rác lấy cây xanh của các nhóm, câu lạc bộ yêu môi trường đã thu hút rất đông người tham quan.
Đổi rác lấy cây xanh tại gian hàng của Câu lạc bộ Cộng đồng xanh. |
Đổi rác lấy cây xanh
Ngày 20-4, tại khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, nhiều người đi chơi mang theo chai, lọ nhựa, vỏ lon bia, túi ni lông, giấy vụn, pin cũ... để đổi cây xanh khiến góc phố Lê Thái Tổ - Báo Khánh trở nên rất nhộn nhịp. Chị Đặng Tuyết Nhung, sinh sống ở chung cư Vinhomes Gardenia (quận Nam Từ Liêm) vui vẻ nói: “Tôi mang hơn 20 viên pin đã qua sử dụng đến gian hàng của tổ chức Việt Nam tái chế đổi được 1 chậu cây. Từ khi biết đến hoạt động thu gom pin và rác thải điện tử, tôi thường tích trữ pin cũ, cất vào hộp kín, khi nào tiện sẽ mang đến thùng thu gom rác của tổ chức Việt Nam tái chế”. Có mặt tại các gian hàng đổi rác lấy cây xanh, khá nhiều người mang theo vỏ chai nước, sách báo cũ... đi đổi cây. Chị Nguyễn Thị Hương ở phường Hàng Trống (Hoàn Kiếm) chia sẻ: "Tranh thủ thể dục buổi sáng, tôi mang rác ra đổi một chậu cây hoa đá nhỏ, vừa sạch môi trường, vừa có một cây xanh nhỏ xinh để ở bàn làm việc".
Câu lạc bộ Cộng đồng xanh của Trường Đại học Y tế Công cộng tham gia Ngày trái đất năm 2019 nhận đổi các loại phế liệu như chai nhựa, lon bia, giấy cũ... Hơn 300 chậu cây xanh được Cộng đồng xanh chuẩn bị chu đáo để đổi lấy rác. Chị Trần Thị Thanh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ giới thiệu: "Chỉ 10 vỏ lon bia, nước ngọt; 2-3kg vỏ chai nhựa hoặc 4-5kg giấy vụn... sẽ đổi được 1 chậu cây. Toàn bộ rác thải thu được, thành viên trong Câu lạc bộ sẽ phân loại, chuyển về Ban tổ chức chương trình, sau đó đem đến nơi tái chế; kinh phí thu được tiếp tục dành mua cây cho các đợt đổi rác lần sau".
Chị Lê Hoàng Phương, cộng tác viên của tổ chức Việt Nam tái chế thông tin thêm: Pin và rác thải điện tử rất độc hại, cần được phân loại, có quy trình xử lý riêng. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người chưa hiểu và chưa quan tâm việc này. Do vậy, các tình nguyện viên của tổ chức Việt Nam tái chế vừa trực tiếp đi nhặt pin cũ, vừa tuyên truyền đến cộng đồng. Chỉ riêng Ngày trái đất 2019, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, tổ chức Việt Nam tái chế đã thu được khoảng 4kg pin và 2kg rác điện tử.
Lan tỏa lối sống xanh
Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Mai Trọng Thái, ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm rác thải nói riêng đang là vấn đề nhức nhối. Việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia phân loại rác, tái chế, sử dụng rác đúng cách là hoạt động có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đáng chú ý, ngoài các chương trình đang được cơ quan chức năng triển khai, đã có nhiều tổ chức, nhóm, câu lạc bộ... hoạt động tình nguyện vì môi trường như: Việt Nam tái chế, Cộng đồng xanh, GreenHub...
Là thành viên hoạt động tích cực trong Câu lạc bộ Cộng đồng xanh, chị Nguyễn Cẩm Thu cho hay, 50 thành viên tham gia câu lạc bộ đều là sinh viên. Sau giờ học, nhóm lại tập trung cho các hoạt động bảo vệ môi trường như: Nhặt phế thải, dọn rác nơi công cộng; tuyên truyền, lan tỏa đến người dân về lối sống xanh, sạch thông qua việc phân loại, tái chế rác thải, bảo vệ cây xanh...
Đặc biệt, hoạt động đổi rác lấy cây không chỉ góp phần nâng cao giá trị những sản phẩm đã qua sử dụng mà còn thay đổi nhận thức của mọi người trong việc bảo vệ môi trường. Theo chị Lê Hoàng Phương, cộng tác viên của tổ chức Việt Nam tái chế, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, đến nay, 5 điểm thu gom rác thải điện tử thường xuyên của tổ chức Việt Nam tái chế tại Hà Nội đã quen thuộc với nhiều người. Sau khi thu gom, pin và rác thải điện tử sẽ chuyển đến các nhà máy tái chế không gây hại cho môi trường.
Đổi rác lấy cây là việc làm nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, truyền thông điệp: Bảo vệ môi trường từ những hoạt động nhỏ ngay nơi sinh sống của chúng ta.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.