Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việc không thể chậm trễ

Đỗ Tâm| 26/03/2012 07:16

(HNM) - Thời gian gần đây, thông tin thịt lợn bán ra thị trường bị nhiễm độc tố do sử dụng chất tạo nạc bị cấm đã khiến nhiều người tiêu dùng cả nước hoang mang.

Hiện chưa thể kết luận thịt lợn trong cả nước bị nhiễm độc tố do sử dụng chất tạo nạc. Ảnh: Đàm Duy


Theo thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng, từ đầu tháng 3 đến nay, bắt đầu từ Đồng Nai, rồi lan sang Bà Rịa - Vũng Tàu, cơ quan có trách nhiệm đã phát hiện một số chủ chăn nuôi, doanh nghiệp kinh doanh thức ăn gia súc và thuốc bảo vệ thực vật sử dụng và bán các loại thuốc kích thích tạo nạc thuộc nhóm beta agonits nằm trong danh mục chất cấm. Lợn ăn chất này tăng trọng nhanh, nở mông vai, giảm mỡ, ăn nhiều, tăng sự hấp thu dưỡng chất, rút ngắn thời gian xuất chuồng… Thông tin được lan rộng, ngay lập tức đã gây nên một hiệu ứng tiêu cực: Người tiêu dùng bàng hoàng, dư luận bức xúc và các cơ quan chức năng phải cấp tốc vào cuộc. Các cơ quan chuyên môn của Cục Chăn nuôi, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đang khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm. Dự kiến, cuối tháng 3-2012 sẽ có kết quả chính xác về tỷ lệ nhiễm chất cấm trên đàn lợn hiện nay.


Giá lợn hơi giảm do có thông tin thịt lợn bán ra thị trường bị nhiễm độc tố do sử dụng chất tạo nạc.    Ảnh: Khánh Nguyên

Dù thông tin mới bùng phát và chỉ là kết quả kiểm tra trên một địa bàn, phạm vi hẹp, chưa thể kết luận thịt lợn trong cả nước bị nhiễm độc tố do sử dụng các chất tăng nạc, song thực tế là cả người chăn nuôi và người tiêu dùng đều đang trở thành nạn nhân của việc này. Đã có những tin tức về lượng lợn hơi xuất chuồng ở các vùng chăn nuôi Hà Nam, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc… bị chững lại. Là thị trường tiêu thụ thịt lợn mạnh, song tại các chợ trên địa bàn Hà Nội hiện nay sức mua đang giảm đáng kể. Việc xuất khẩu thịt lợn cũng bị ảnh hưởng...

Trước sự việc này, điều quan trọng hiện nay là cách nhìn nhận vấn đề chứ không phải chạy theo giải quyết, dễ chỉ làm rối thị trường. Đó là việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm còn rất nhiều lỗ hổng. Thực tế là nhiều loại hóa chất sử dụng trong chăn nuôi, bảo quản thực phẩm ở Việt Nam đều nhập khẩu nhưng quy định về chất bị cấm hay không, giữa chúng ta với nước xuất khẩu còn "vênh", các nội dung liên quan như liều lượng dùng, tiền chất, tỷ lệ tồn dư… cũng còn nhiều bất đồng (cả do cách hiểu lẫn những quy định riêng), bởi có chất cấm song lại có chỉ định hoặc có quy định thời gian để đào thải hết chất cấm, lại trở thành chất không cấm. Hoặc có chất được sử dụng ở nhiều ngành, ở ngành này là cấm nhưng ngành khác lại không, hay là đều cấm song tỷ lệ, định lượng để cấm mỗi ngành quy định một khác... Nghĩa là đang có một "ma trận" trong vấn đề này, rất cần có một đầu mối đưa ra quy định thống nhất. Nước ta chưa có quy định cụ thể, rõ ràng nên cơ quan chức năng đang rất lúng túng dù trong vấn đề sử dụng chất siêu tạo nạc cho lợn, trách nhiệm rõ ràng thuộc về ngành nông nghiệp, song để xác định sản phẩm từ lợn có bị sử dụng chất cấm hay không... là việc rất phức tạp, vượt quá điều kiện và khả năng của cơ sở. Hơn nữa, quy định về xử lý việc này cũng rất rườm rà. Nếu phát hiện sản phẩm từ lợn bị sử dụng thức ăn có chất cấm, cơ quan thú y không được phép cho tiêu hủy mà chỉ yêu cầu ngừng xuất bán trong một thời gian nhất định để lợn loại thải hết chất này. Nhưng việc giám sát, kiểm tra đàn lợn này sau đó có bị đưa lén ra thị trường hay không lại không được thực hiện. Quy trình kiểm tra lại không được thực hiện quá 2 lần/năm, phải báo trước cho chủ chăn nuôi 10 ngày bằng văn bản, rồi chỉ được kiểm tra đột xuất khi đã phát hiện dấu hiệu vi phạm… cũng gây khó khăn cho lực lượng thú y và hạn chế hiệu quả kiểm tra. Còn với thịt thành phẩm, khẳng định thịt nhiễm chất cấm phải dựa trên kết quả giám định (quy trình hết sức phức tạp, nhiêu khê) mà cũng chỉ với một vài mẫu nên không có căn cứ để kết luận thịt lợn cả chợ bị nhiễm độc được... Chưa kể, từ lâu trên thị trường còn có thịt lợn siêu nạc từ giống lợn nhập của nước ngoài, đã được các cơ quan có chức năng chấp nhận được chăn nuôi và tiêu thụ ở Việt Nam, mà sự khác biệt với thịt lợn siêu nạc do dùng chất cấm không phải ai cũng phân biệt được.

Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và những người chăn nuôi chân chính, tránh gây hoang mang, lo lắng không đáng có, các nhà quản lý cần kiểm soát gắt gao hơn nữa con lợn từ khâu sản xuất đến tiêu thụ; sớm sửa đổi cơ chế xử lý vi phạm theo hướng kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu vào (giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi…) ở cả khâu nhập khẩu lẫn thị trường nội địa. Kiên quyết xử lý hình sự đối với người kinh doanh thức ăn gia súc, chăn nuôi hay cơ sở giết mổ nào mua bán, sử dụng các chất cấm... Bên cạnh đó, cần tuyên truyền sâu rộng hơn để người chăn nuôi hiểu rằng sử dụng chất cấm là tội ác, gây ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe của cả cộng đồng, trong đó có chính những người thân của họ.

Việc nhiều người tiêu dùng tỏ ra thận trọng trước thông tin thịt lợn nhiễm hóa chất có khả năng gây bệnh là biểu hiện tích cực, chứng tỏ vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm đã được coi trọng, song một thái độ cực đoan như quay lưng hay tẩy chay thịt lợn lại là không phù hợp. Người ta vẫn hoàn toàn nên dùng thịt lợn và các phụ phẩm trong bữa ăn hằng ngày khi thông tin thịt lợn nhiễm độc chưa được cơ quan có trách nhiệm kiểm chứng, công bố chính thức và bản thân có sự chú ý hơn khi chọn mua. Bà Vũ Thị Dung ở phường Ngọc Hà, quận Ba Đình - người có thâm niên đi chợ nhiều năm chia sẻ kinh nghiệm: "Thịt lợn thường có màu hơi hồng, không đỏ sẫm, mỡ và bì dày, tảng thịt rắn chắc, thớ thịt đều, có độ đàn hồi cao. Khi mua thịt, không nên chọn những miếng thịt lợn quá đỏ, nạc sát da, không có độ đàn hồi và bị chảy nước. Đó rất có thể là loại thịt có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi".

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), beta agonits là nhóm các hormon tự nhiên, có nguồn gốc từ các catecholamines (adrenaline, noradrenaline và dopamine), có tác dụng làm giãn cơ cuống phổi, giãn cơ tử cung, đồng thời kích thích giải phóng insulin và quá trình phân giải glucose. Việc sử dụng beta agonits trong thức ăn chăn nuôi lợn dẫn đến việc tồn dư các chất này trong sản phẩm thịt. Các ảnh hưởng của hormon beta agonits đối với người sử dụng là làm tim đập nhanh, rung cơ, hồi hộp lo lắng và ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, nếu nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việc không thể chậm trễ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.