(HNMO) - Yêu cầu chính của 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử: H1-1A, H1-1B, H1-1C, H1-2, H1-3, H1-4, tỷ lệ 1/2000 tại các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng vừa được thành phố Hà Nội công bố sáng 22-3 đó là kiểm soát dân số giảm từ 887.411 người (năm 2019) xuống dự kiến còn 672.000 người vào năm 2030.
Đồng thời, bổ sung hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, giải quyết tình trạng quá tải hiện nay.
Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội - cơ quan được UBND thành phố giao lập đồ án các quy hoạch phân khu nội đô lịch sử về tính khả thi của việc kiểm soát dân số cũng như các nội dung căn bản đạt được của các đồ án trên.
- Các đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử mới đây đã được UBND thành phố phê duyệt, kết thúc quá trình nghiên cứu, quy hoạch kéo dài khoảng 10 năm. Xin ông cho biết các nội dung căn bản đạt được của các đồ án?
- Thứ nhất, các đồ án đã quy hoạch việc phát triển hệ thống đường giao thông và đường sắt đô thị trong khu nội đô lịch sử đầy đủ, đồng bộ đến tận các đường khu vực. Với 6 phân khu, diện tích đường giao thông được quy hoạch tăng lên 213,95ha so với hiện nay. Các đồ án cũng lập quy hoạch phát triển 5 tuyến đường sắt đô thị với 22 ga đường sắt. Đồng thời, quy hoạch phát triển 89 bãi đỗ xe, trong đó có 38 bãi đỗ xe cao tầng, 51 bãi đỗ xe ngầm với diện tích tăng lên 44,4ha.
Thứ hai là việc di dời trụ sở các bộ ngành, cơ sở y tế, giáo dục, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm sẽ mang lại quỹ đất khoảng 176,21 ha. Với quỹ đất này, đồ án xác định ưu tiên dành 96,61ha để bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật (trường học, nhà trẻ, cây xanh, các công trình công cộng...), giải quyết các bất cập hiện nay, cũng như đáp ứng nhu cầu của người dân, bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Theo đó, các trường học: Mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đều được tăng chỉ tiêu diện tích bình quân/học sinh, phù hợp với quy chuẩn hiện hành. Các công trình như trụ sở UBND phường, các công trình cấp phường cũng được bổ sung thêm quỹ đất 9,1ha; cây xanh tăng 27,06ha...
- Bên cạnh yêu cầu cải thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, thì yêu cầu chính của các đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử là kiểm soát dân số. Theo quyết định phê duyệt các đồ án, thành phố đặt mục tiêu kéo giảm từ 887.411 người (năm 2019) xuống dự kiến còn 672.000 người vào năm 2030, tức là sẽ phải giảm khoảng 215.000 người. Liệu mục tiêu này có khả thi không, thưa ông?
- Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 trên địa bàn thành phố Hà Nội tháng 4-2019, dân số tại 4 quận nội đô lịch sử là 887.411 dân. Trong đó, quận Hoàn Kiếm có 91.219 người; quận Ba Đình 199.586 người; quận Đống Đa 371.606 người; quận Hai Bà Trưng 255.000 người. Các đồ án quy hoạch phân khu đặt mục tiêu giảm 215.000 người từ nay đến năm 2030. Qua tính toán, cũng như thực tế quá trình đô thị hóa vừa qua, việc giảm 215.000 dân là hoàn toàn khả thi và có cơ sở thực tiễn.
Trong đó, có khoảng 125.000 người sẽ di dời ra khỏi nội đô lịch sử qua việc giải phóng mặt bằng để mở rộng đường, di dời dân cư đang sinh sống trong các khu di tích lịch sử, giải phóng mặt bằng các cư dân đang lấn chiếm khu vực đất công... Cùng với đó, sẽ giảm cơ học tự nhiên khoảng 100.000 người, bởi việc di dời các trụ sở bộ, ngành, trường học sẽ kéo theo một bộ phận người dân di chuyển theo. Ngoài ra, việc hình thành các khu đô thị mới bên ngoài khu vực nội đô cũng thu hút người dân di chuyển ra. Thực trạng tại quận Hoàn Kiếm trong 6 năm trở lại đây là một minh chứng rõ ràng nhất. 6 năm qua, dân số tại quận này đã giảm 2.000 người. Đây là sự di dời tất yếu trong quá trình phát triển đô thị, người dân đô thị có xu hướng chuyển dần ra khu vực bên ngoài nội đô...
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.