(HNMO) - Theo Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3-9-2021 của Chủ tịch UBND thành phố, từ 6h ngày 6-9, Hà Nội sẽ chính thức thực hiện phân thành 3 vùng phòng, chống dịch Covid-19, đánh dấu một giai đoạn mới. Đây là biện pháp khó, chưa có tiền lệ, nhưng thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng tổ chức tốt trên cơ sở sự đồng hành, ủng hộ của nhân dân.
Dựa vào các con sông để phân vùng là chính xác
Như Báo Hànộimới đã phân tích, chỉ rõ, công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Hà Nội đã bước vào giai đoạn mới. Sau 3 đợt thực hiện giãn cách xã hội, Hà Nội đã cơ bản đánh giá được mức độ nguy cơ theo từng địa bàn; phân biệt được đâu là “vùng đỏ”, “vùng cam” và “vùng xanh”. Do đó, việc tổ chức phân vùng để kiểm soát theo các mức độ khác nhau, linh hoạt vừa kiểm soát chặt hơn vùng nguy cơ cao, vừa nới lỏng để tạo điều kiện thực hiện phục hồi, phát triển kinh tế vùng nguy cơ thấp hơn là rất cần thiết, đúng đắn.
PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) đánh giá: “Đối với Hà Nội hiện nay, những vùng nguy cơ cao vẫn phải tiếp tục thực hiện giãn cách, thậm chí phải áp dụng các biện pháp mạnh hơn, kể cả phong tỏa. Còn đối với những địa bàn dịch đã ổn, thành phố cân nhắc nới lỏng để người dân làm ăn”.
Tuy nhiên, với địa bàn rộng, hệ thống giao thông chằng chịt, quy mô số dân 10 triệu người, việc tổ chức phân vùng Hà Nội làm sao bảo đảm khoa học, hiệu quả là thách thức lớn. Vì thế, khi thành phố quyết định phân thành 3 vùng theo mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất, nhất là lợi dụng các con sông để phân vùng đã nhận được sự ủng hộ của nhân dân, khẳng định đây là cách làm hợp lý.
Ông Lê Văn Tân (tổ dân phố 6, phường Phúc Lợi, quận Long Biên) nhận xét: “Cá nhân tôi cho rằng dựa vào các con sông để phân vùng là cách làm thông minh, chắc chắn không chỉ tiết kiệm nhân lực, vật tư mà còn giúp cho người dân dễ hiểu và dễ thực hiện”.
Để bảo đảm thực hiện phân vùng, Sở Xây dựng Hà Nội đã phối hợp với các địa phương hàn chốt cứng 30 cầu qua các con sông để bảo đảm cách ly Vùng 1, mở khoảng 20 cầu khác để bảo đảm việc đi lại của người dân trong diện được phép.
Công an thành phố cũng triển khai 39 chốt nhằm kiểm soát chặt chẽ người ra, vào Vùng 1. Mặc dù bắt đầu tổ chức thực hiện chính thức từ 6h ngày 6-9, nhưng các đơn vị chức năng đã chủ động triển khai thực hiện sớm từ ngày 4-9 kết hợp với tuyên truyền, hướng dẫn người dân. Mặc dù còn chưa quen và phần nào ảnh hưởng đến sinh hoạt, nhưng đa số người dân đều chia sẻ và ủng hộ.
Bà Nguyễn Thị Lan, nhà gần đầu cầu Noi - một trong 3 chốt cứng của phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Từ đợt giãn cách vừa qua, tôi đã ít đi sang bên kia sông, nên nay thành phố chốt cứng cũng quen rồi, không khó khăn gì. Gia đình tôi hoàn toàn ủng hộ các biện pháp cách ly chặt chẽ của thành phố; vì vắc xin chưa đủ để tiêm, mà thả lỏng ra lây nhiễm tràn lan thì nguy hiểm”.
Đòi hỏi cấp thiết, cấp bách
Theo Chỉ thị số 20/CT-UBND, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, tổ chức quản lý chặt chẽ, thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với toàn bộ các chốt kiểm soát ra - vào thành phố, các chốt ra - vào tại Vùng 1 và đối với các cá nhân, phương tiện lưu thông trên địa bàn thành phố theo nguyên tắc chỉ các cá nhân, phương tiện “được phép mới ra đường”, “ai ở đâu, ở đó”, “người ở vùng nào thì ở vùng đó”.
Đây là biện pháp rất cần thiết, trong bối cảnh nguy cơ dịch lây lan rộng ở Vùng 1 còn rất lớn. Những ca F0 mới ghi nhận những ngày gần đây vẫn tập trung chủ yếu tại vùng này. Đơn cử 40 ca F0 được công bố trưa 5-9 thì có đến 33 ca thuộc 7 quận, huyện Vùng 1, chỉ có 7 ca thuộc 3 huyện ngoài địa bàn này. Trước đó, trưa 4-9, thành phố ghi nhận thêm 38 ca F0 thì cũng chỉ có 3 ca thuộc 2 huyện ngoài Vùng 1, còn lại 35 ca đều thuộc các quận, huyện Vùng 1.
Trong khi đó, số lượng người ra đường ở các quận, huyện có nguy cơ cao (Vùng 1) trong đợt giãn cách xã hội thứ ba vẫn rất đông. Đây cũng chính là vấn đề đã được đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chỉ rõ và yêu cầu khắc phục triệt để sau cuộc kiểm tra tại Hà Nội ngày 31-8-2021.
Do đó, việc tổ chức cấp giấy đi đường và bố trí kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nhằm giảm số lượng người ra đường, bảo đảm thực hiện đúng quy định, đúng đối tượng là đòi hỏi cấp thiết, cấp bách đặt ra. Đây còn là mong muốn của chính người dân.
Ông Đinh Quốc An (phường Trung Tự, quận Đống Đa) cho biết: “Sau khi đã chia vùng, xác định Vùng 1 là "vùng đỏ" thì siết chặt quản lý để giảm số người ra đường là tất yếu. Tôi nghĩ đây vẫn là việc khó, phải vừa làm vừa điều chỉnh, nhưng người dân như chúng tôi luôn chia sẻ, ủng hộ”.
Thực hiện nhiệm vụ được phân công, ngày 5-9, Công an thành phố Hà Nội đã ra thông báo về đối tượng, trình tự thủ tục duyệt cấp giấy đi đường có nhận dạng, thẻ đi mua hàng thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong Vùng 1.
Theo đó, 6 nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường, được phép ra đường đã được hướng dẫn cụ thể, bao gồm cả nơi cấp, trình tự, thủ tục cấp giấy đi đường; trường hợp ra đường không cần giấy đi đường... Công an thành phố cũng kích hoạt 3 số điện thoại đường dây nóng (069.2194.299, 069.219.4295 và 069.219.4296) để sẵn sàng giải đáp các thắc mắc liên quan.
Ngoài ra, Công an thành phố cũng đã lập 39 chốt kiểm soát, tổ chức 12 tổ công tác kiểm tra lưu động trên các tuyến đường nội đô nhằm bảo đảm việc thực hiện nghiêm nguyên tắc cách ly, bảo đảm giãn cách xã hội thực chất theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ở Vùng 1 từ 6h ngày 6-9-2021.
Theo Thiếu tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 6 (Phòng Cảnh sát giao thông), những ngày đầu lực lượng làm nhiệm vụ sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân tự giác chấp hành; sau đó sẽ tiếp tục kết hợp hài hòa giữa tuyên truyền và xử lý nghiêm các trường hợp ra đường không đúng mục đích, giấy đi đường không đúng tuyến được cấp, người ra đường không đeo khẩu trang…
Cùng với lực lượng Công an, Bộ Tư lệnh Thủ đô, các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố cũng đã bố trí lực lượng, tổ chức triển khai các phần việc để bảo đảm từ 6h ngày 6-9, thực hiện tốt phân vùng phòng, chống dịch trong giai đoạn mới đến ngày 21-9.
Bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa cho nhân dân Vùng 1
Đáng chú ý, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung, điều phối hàng hóa cho từng phân vùng. Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, ở Vùng 1 có 78 siêu thị, 149 chợ, 5.095 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu; 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu có hình thức bán hàng trực tuyến, 927 địa điểm sẵn sàng trưng dụng làm kho, điểm bán hàng lưu động ngay khi cần thiết. Các hệ thống này bảo đảm cung ứng hàng hóa cho khoảng 3,78 triệu dân.
Sở Giao thông Vận tải sẽ huy động 528 xe tải của các doanh nghiệp tham gia cung ứng, vận chuyển hàng hóa. Trong đó, có 450 xe phục vụ ở nội thành và 78 xe chạy liên vùng. Ngoài ra, có 50 xe buýt sẵn sàng để phục vụ bán hàng cho người dân trên địa bàn khi cần thiết.
Hà Nội đã sẵn sàng bước vào giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 mới với quyết tâm đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh, đưa thành phố sớm trở về trạng thái bình thường mới.
Vùng 1: Là khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Hiện là "vùng đỏ", nhiều đối tượng nguy cơ cao. Gồm 15 đơn vị hành chính:
- Toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai.
- Một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.