(HNM) - Cùng với sự gia tăng đột biến của các phương tiện giao thông cá nhân và tình trạng xuống cấp của cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, nạn ùn tắc giao thông đã trở thành nỗi lo thường trực của người dân Hà Nội.
Để giải bài toán này, trong cuộc làm việc với Sở Giao thông - Vận tải mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu phải nghiên cứu, triển khai ngay đề án kiểm soát sự gia tăng của các phương tiện giao thông cá nhân. Những nội dung của đề án này ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận...
Cảnh tắc đường đã trở nên quá quen thuộc với người dân Thủ đô. Ảnh: Phương An |
Bà Hoàng Thị Ngân (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy): Xe máy là nguyên nhân chính gây ra nạn ùn tắc giao thông
Thoạt nghe, thông tin "cấm xe máy trong giờ cao điểm" tưởng chừng như vô lý, bởi Hà Nội có đến 80% số hộ dân sử dụng xe máy làm phương tiện đi lại. Nếu cấm đi xe máy thì họ sẽ đi học, đi làm, đi chơi... bằng phương tiện gì? Nhưng với một người thường xuyên phải "sống chung" với nạn tắc đường, tôi thấy đề xuất này thật sự là một sáng kiến mang tính đột phá bởi xe máy là nguyên nhân chính gây ra nạn ùn tắc giao thông cục bộ. Đây là phương tiện cơ động nhất, nhưng cũng có tỷ lệ người điều khiển vi phạm Luật Giao thông đường bộ lớn nhất. Trong khi các tài xế ô tô chấp hành khá tốt các quy định của Luật Giao thông đường bộ, thì người điều khiển xe máy thường xuyên bị phạt bởi các lỗi: vượt đèn đỏ, lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai làn đường... Mỗi khi có ùn tắc giao thông, người điều khiển xe máy không chỉ luồn lách, lấn làn mà còn phóng cả lên vỉa hè... Tuy nhiên việc hạn chế phương tiện hay cấm xe máy đi lại trong giờ cao điểm tại một số tuyến đường nội đô cần phải được thực hiện với lộ trình cụ thể...
Ông Nguyễn Như Anh (phường Tứ Liên, quận Tây Hồ): Định hướng lại thói quen sử dụng phương tiện giao thông
Theo tôi, nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông là do hạ tầng giao thông đô thị quá yếu kém, trong khi đó, phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh; công tác quản lý giao thông vận tải còn nhiều bất cập và ý thức chấp hành của người tham gia giao thông còn hạn chế. Để cải thiện hạ tầng giao thông và nâng dần ý thức chấp hành luật giao thông của người dân, chắc chắn cần nhiều thời gian. Vì vậy, đề xuất kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân để hạn chế sự gia tăng của các phương tiện ô tô, xe máy trong thời điểm này là vô cùng cần thiết. Có lẽ ít có quốc gia nào, người dân lại sử dụng nhiều xe máy như ở nước ta. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải định hướng lại thói quen sử dụng phương tiện giao thông cho người dân từ việc sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân thành thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Hạn chế xe máy trong giờ cao điểm sẽ tạo cơ hội cho dịch vụ giao thông công cộng phát triển. Cái chính là phải tổ chức các tuyến xe buýt ra sao, số lượng xe có đáp ứng đủ nhu cầu giao thông của người dân, chất lượng phục vụ như thế nào... để người dân quen dần và cảm thấy không có phương tiện giao thông cá nhân, dịch vụ giao thông công cộng vẫn đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của họ.
Bà Nguyễn Thị Khiêm (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên): Hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng
Có dịp đi công tác nhiều nơi, tôi thấy ở các quốc gia phát triển đều làm tốt việc kiểm soát phương tiện cá nhân. Họ khuyến khích người dân đi bộ, đạp xe đến trường học, công sở... để rèn luyện sức khỏe, giảm chi phí và bảo vệ môi trường. Tại Việt Nam, hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều đang phải đối mặt với nạn tắc đường nghiêm trọng. Do đó, việc kiểm soát nhằm hạn chế sự gia tăng các phương tiện giao thông cá nhân là việc cần phải làm ngay. Tuy nhiên, để làm được điều này, trước tiên phải tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng. Cụ thể là phải trang bị đủ số lượng xe buýt, bố trí luồng, tuyến hợp lý, đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại của người dân. Xe buýt được trang bị phải là xe có chất lượng cao, nhân viên có thái độ phục vụ tốt. Các điểm dừng, đỗ xe phải có mái che chắn để người đứng chờ xe buýt không phải "đội mưa, đội nắng" như hiện nay... Nếu làm được tất cả những điều đó, tôi tin rằng chỉ một thời gian ngắn, người dân sẽ thấy lợi ích của việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Ông Nguyễn Duy Nghĩa (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai): Giảm tắc đường cũng là cách giúp người dân tiết kiệm
Cách đây vài năm, khi quy định tất cả người tham gia giao thông bằng xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm được ban hành, rất nhiều người cho rằng không khả thi. Nhưng thực tế, chỉ sau thời gian ngắn, người dân đã quen dần và nhận ra những lợi ích thiết thực khi đội mũ bảo hiểm. Cũng giống như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, đề án kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân cần được thực hiện quyết liệt mới mong cải thiện được giao thông đô thị tại những thành phố lớn. Tôi tin rằng, nếu chúng ta cùng nỗ lực, chỉ vài ba năm nữa, việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng của người Việt Nam sẽ trở thành tất yếu như nhiều nước đã làm. Khi số người sử dụng dịch vụ công cộng tăng lên, lượng phương tiện cá nhân sẽ giảm xuống, đường trở nên thông thoáng, tạo điều kiện cho xe buýt có thể chạy đúng giờ, đúng lộ trình. Càng nhiều người sử dụng xe buýt, Nhà nước sẽ càng giảm bớt gánh nặng trợ giá, người dân cũng tiết kiệm được cả tiền bạc và thời gian. Giảm thiểu tắc đường không chỉ là việc bảo vệ môi trường mà còn giúp người dân tiết kiệm được tiền bạc do những phí tổn không đáng có, nhất là khi giá xăng dầu ngày một tăng cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.