(HNM) - Chuyện 5 hiệu trưởng, hiệu phó tại một quận của Hà Nội được vận động miễn nhiệm theo
Học sinh luôn cần được học tập trong môi trường thuận lợi nhất. Ảnh: Nhật Nam |
Từ chức là trách nhiệm
Nhằm đáp ứng những yêu cầu mới về GD-ĐT, từ tháng 12-2010, Quận ủy Hà Đông đã ban hành đề án "Nâng cao chất lượng GD-ĐT quận Hà Đông giai đoạn 2010-2015". Với mục tiêu trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu về GD-ĐT của thành phố, đề án đã xác định 9 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc đổi mới công tác đánh giá, phân loại sử dụng đội ngũ cán bộ. Theo đó, việc đánh giá hiệu trưởng, hiệu phó các trường học, ngoài căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ của nhà trường, còn có thêm kênh thông tin từ kết quả bỏ phiếu kín về 3 tiêu chuẩn: đạo đức, tinh thần trách nhiệm và năng lực quản lý. Đối tượng bỏ phiếu gồm hội đồng sư phạm, đại diện phụ huynh và HS nhà trường. Việc lấy ý kiến bằng phiếu kín được thực hiện 2 lần/năm học vào thời điểm kết thúc học kỳ. Kết quả đánh giá sẽ là căn cứ để sắp xếp, sử dụng cán bộ. Theo quy định, nếu 2 năm liên tục nhà trường không có chuyển biến về chất lượng giáo dục, không đạt các chỉ tiêu đăng ký đã đề ra, nội bộ mất đoàn kết thì sẽ làm rõ trách nhiệm của hiệu trưởng, hiệu phó để xem xét cho thôi giữ chức vụ hoặc điều chuyển sang vị trí thấp hơn tại trường khác. Trường hợp cán bộ quản lý có một trong số tiêu chuẩn nêu trên không đạt tỷ lệ tín nhiệm theo quy định thì bị coi là không hoàn thành nhiệm vụ và sẽ phải thôi giữ chức vụ, điều chuyển làm giáo viên tại trường khác.
Được biết, từ kết quả đánh giá cán bộ năm 2011, quận Hà Đông đã miễn nhiệm chức vụ 4 cán bộ quản lý, gồm 3 hiệu trưởng, 1 hiệu phó; năm 2012 miễn nhiệm 1 hiệu phó. Tuy nhiên, khi được hỏi cụ thể về năm trường hợp này, bà Phạm Thị Hòa, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hà Đông lại từ chối, cho rằng ngành GD-ĐT đầu năm học mới rất bận rộn và bày tỏ mong muốn được có những "khoảng lặng" để thực thi nhiệm vụ. Chúng tôi cũng đã cố gắng tìm hiểu việc thực thi quy định trên của Hà Đông đến đâu, song không nhận được câu trả lời đầy đủ, chỉ biết rằng có trường hợp hiệu trưởng bị luân chuyển sang trường khác làm hiệu phó, còn có hiệu phó nào trở thành giáo viên trường khác hay không thì chưa có câu trả lời.
Một vị cán bộ quản lý khác của ngành GD-ĐT quận Hà Đông cho biết thời điểm này chưa thể đánh giá về hiệu quả của việc miễn nhiệm, luân chuyển bởi hầu hết cán bộ đều mới nhận nhiệm vụ. Việc từ chức khi không hoàn thành nhiệm vụ không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là trách nhiệm với tương lai của những thế hệ học trò.
"Không có ai bị cách chức mới là bất thường"
Giáo sư Văn Như Cương cho rằng, trong xã hội nếu không bao giờ có người từ chức, không có ai bị cách chức mới là bất thường và cần được xem xét lại. Việc miễn nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó như ở quận Hà Đông là hết sức bình thường và đặc biệt cần thiết nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, cũng là để chính những người được giao nhiệm vụ phải thường xuyên cố gắng, không được trì trệ. Vì vậy, hình thức này nên được khuyến khích, tạo động lực cho người có đức, có tài thử thách với "ghế nóng". Tuy nhiên, về sự việc nêu trên, Giáo sư cũng bày tỏ sự băn khoăn, cho rằng nếu tự tin về quyết định miễn nhiệm cán bộ của đơn vị mình thì tại sao lại "khó nói đến vậy".
Theo Giáo sư Văn Như Cương, điều cần quan tâm là những vấn đề "hậu luân chuyển". Không để xảy ra khiếu nại, tố cáo là điều đáng mừng, trách nhiệm của cơ quan quản lý là còn phải tạo cơ hội cho đội ngũ cán bộ của mình tiếp tục thử sức và cống hiến có trách nhiệm ở môi trường mới. Vì vậy, trước khi luân chuyển nhất thiết phải thăm dò dư luận nơi dự kiến đến, để người mới đến và người "bản địa" đều "tâm phục, khẩu phục". Cũng theo Giáo sư, chúng ta cần tránh tình trạng cán bộ bị miễn nhiệm, luân chuyển sang đơn vị khác mà lại vẫn được giữ nguyên chức vụ. Bất kỳ một đơn vị nào, dù có bị coi là kém đến mấy cũng khó chấp nhận việc họ có thủ trưởng mới là người đang chịu án kỷ luật ở nơi khác chuyển về.
Điều mà Giáo sư nhắc đến không phải không có căn cứ. Thực tế, không hiếm trường hợp bị miễn nhiệm ở trường này, song khi sang trường khác vẫn đảm đương vai trò là hiệu trưởng. Lại có tình trạng hiệu trưởng "ngồi nhầm chỗ", song việc đào thải lại không hề đơn giản. Tuy nhiên, nếu thực thi được thì sẽ khiến những "thuyền trưởng" phải kiên trì phấn đấu, đương đầu với mọi thách thức để chèo lái con thuyền của mình vượt qua bão táp, chứ không thể cứ được bổ nhiệm rồi là yên vị, tìm sự an toàn cho riêng mình. Vì thế, không hẳn ai cũng muốn gánh trách nhiệm nặng nề này. Hầu hết hiệu trưởng đều trưởng thành từ những giáo viên giỏi, vì thế, họ có thể vững chuyên môn, nhưng khả năng quản lý tài chính thì lại từ kinh nghiệm thực tế. Áp lực trách nhiệm khiến họ luôn phải gồng mình để lo lắng mọi đầu việc của trường, song không phải lúc nào cũng có thể kiểm soát hết. Vì thế, đã đến lúc coi chuyện từ chức là bình thường và cần thiết để thanh lọc đội ngũ, nhằm hướng đến mục tiêu chung là chất lượng giáo dục.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.