(HNM) - Đã hơn hai năm kể từ khi TP có chủ trương thu phí một phần vỉa hè, lòng đường nhưng các cơ quan chức năng vẫn loay hoay chưa thực hiện được.
Mới đây, UBND TP đã quyết liệt yêu cầu Sở GTVT và Sở Tài chính hoàn thành dự thảo thu phí, trình HĐND trong kỳ họp ngày 7-12 để thực hiện. Thế nhưng, một lần nữa TP lại "trễ hẹn" trong việc đưa vỉa hè, lòng đường vào nền nếp!
Vỉa hè, lòng đường thành… chợ
Tình trạng đường biến thành chợ, quán nhậu, bãi giữ xe… vốn không còn lạ ở hầu hết các con đường của TP. Trên các tuyến đường nhỏ thuộc quận 1 như Cống Quỳnh, Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Hồng Gấm… tiểu thương, các hàng quán tràn hết xuống đường khiến người đi bộ phải len lỏi giữa dòng xe cộ đông đúc. 15 tuyến đường mẫu của TP cũng chung tình trạng khi các bãi giữ xe tự phát và tình trạng buôn bán hàng rong, lấn chiếm vẫn… như xưa như Ba Tháng Hai (quận 10), Nguyễn Chí Thanh (quận 5, 11) Trần Hưng Đạo (quận 5), Nguyễn Trãi (quận 1, 5)… Tình trạng đặc biệt lộn xộn trước các bệnh viện như Chợ Rẫy, Nguyễn Trãi, Chấn thương chỉnh hình, Ung bướu…
Người buôn bán tràn cả xuống lòng đường (chụp ở đường Nguyễn Thái Bình, quận 1). |
Theo một vị lãnh đạo, dù chính quyền các cấp đã tập trung rà soát, kiểm tra, xử phạt người buôn bán, giữ xe vi phạm nhưng không xuể. Các địa phương không có đủ người để liên tục kiểm tra nên khi lực lượng chức không có mặt thì mọi thứ đâu lại về đấy! Trong khi đó, người buôn bán nhỏ thì "so bì" rằng cơ quan chức năng thiếu công bằng trong việc xử phạt khi liên tục "hốt" những gánh hàng rong, cà phê "cóc" còn những bãi giữ xe "hoành tráng" của cửa hàng, hàng quán lớn chiếm hết vỉa hè vẫn tồn tại.
Thu phí vỉa hè, lòng đường: Nhiều băn khoăn!
Từ năm 2008 UBND TP đã giao liên sở GTVT và Tài chính nghiên cứu đề xuất các tuyến đường được phép kinh doanh buôn bán và mức phí thu để đưa việc quản lý vỉa hè, lòng đường vào nề nếp. Tháng 7-2009, dự thảo về các tuyến đường được phép sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường để kinh doanh và mức phí đã được đưa ra lấy ý kiến người dân. Tuy nhiên, dự thảo này vấp phải nhiều ý kiến phản đối vì cách thu cào bằng một giá, người buôn bán lớn và nhỏ trên cùng một quận đóng phí như nhau khiến người buôn bán nhỏ phải chịu thiệt thòi. Vì vậy, việc thu phí để quản lý vỉa hè đành phải xếp lại.
Qua hơn một năm nghiên cứu, TP đã có dự thảo mới để trình HĐND trong kỳ họp ngày 7-12. Theo đó, sẽ có 112 tuyến đường thuộc 16 quận, huyện được sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán; 120 tuyến đường được phép giữ xe có thu phí và 73 tuyến đường được đậu xe ô tô. Phí thuê vỉa hè, lòng đường tính toán trên cơ sở bảng giá đất của TP, được điều chỉnh lên 4 lần để sát với giá thị trường. Mức thu được giữ ổn định trong vòng 5 năm, sau đó sẽ điều chỉnh theo bảng giá đất hiện hành. Đơn giá thuê được tính theo giá đất bình quân giữa tuyến đường có giá cao nhất và thấp nhất trong từng quận, huyện. Tại quận 1 mức phí thu cao nhất là 150 ngàn đồng/m2/tháng; tiếp theo là quận 3 với 100 ngàn đồng/m2/tháng. Các quận, huyện có mức thu thấp là 12, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè với 10.000 đồng/m2/tháng; huyện Cần Giờ thu thấp nhất với 1.117 đồng/m2/tháng. Như vậy, so với dự thảo năm 2009 (mức thu cao nhất là 46.000 đồng/m2/tháng) thì mức thu đề xuất lần này cao hơn 3 lần. Tuy nhiên, phương pháp thu "cào bằng" thì vẫn như cũ. Giải thích lý do thu phí theo kiểu "lớn nhỏ bằng nhau" trên cùng một quận, UBND TP cho rằng trên địa bàn có đến 2.339 tuyến đường, mỗi tuyến đường lại có nhiều đoạn đường với đơn giá khác nhau nên việc quy định mức phí cho từng tuyến sẽ gây khó khăn cho công tác cấp phép và thu phí. Như vậy, sau một năm "ngâm cứu" thì hai sở GTVT và Tài chính vẫn không làm mới được phương pháp thu cũ.
Trong kỳ họp ngày 7-12, tờ trình thu phí vỉa hè, lòng đường vẫn chưa được HĐND thông qua với lý do là chưa đủ điều kiện và thời gian để thẩm tra. Và như vậy, vỉa hè, lòng đường TP vẫn tiếp tục nguy cơ lộn xộn, gây mất an toàn giao thông và trật tự đô thị như nhiều năm qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.