Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sức khỏe lâu dài của người dân

Hà Phong| 15/11/2016 07:14

(HNM) - Với nhu cầu sử dụng thực phẩm ngày càng cao của người dân Thủ đô, thời gian qua các cấp, các ngành của thành phố đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) và chăm lo sức khỏe của người dân.

Với việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, công tác bảo đảm ATVSTP chắc chắn sẽ đạt hiệu quả tích cực. Ảnh: Mạnh Hùng


Đặc biệt, cuối tháng 10 vừa qua, Thành ủy tiếp tục ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới trên địa bàn Hà Nội. Đây là giải pháp mạnh mẽ nhằm quyết tâm bảo đảm sức khỏe lâu dài cho người dân.

Triển khai nhiều giải pháp về ATTP

Với hơn 7,5 triệu dân, chưa kể số học sinh, sinh viên, lao động ngoại tỉnh, mỗi năm ước tính Hà Nội cần khoảng 890 nghìn tấn gạo, 139 nghìn tấn thịt lợn, 42 nghìn tấn thịt gà, 54 nghìn tấn hải sản tươi sống và chế biến, 900 nghìn tấn rau… Trong khi đó, dù có hơn 58.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thì thành phố cũng chỉ cung cấp được khoảng 70% nhu cầu thịt gia súc các loại, hơn 30% cá các loại, 60% rau củ tươi…, số còn lại từ các tỉnh, thành phố khác hoặc từ nước ngoài đưa về.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TƯ, ngày 21-10-2011, của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới, Hà Nội đã có nhiều giải pháp quản lý vấn đề ATTP, tạo được sự chuyển biến rõ rệt, nhất là hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Tuy nhiên, vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền lúng túng trong quản lý ATTP, phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm chưa kịp thời.

Đáng lưu ý, việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm không rõ nguồn gốc và bảo đảm ATTP chưa chặt chẽ. Trước tình hình này, cuối tháng 10-2016, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới trên địa bàn Hà Nội. Trong đó yêu cầu đặt ra với các cấp ủy đảng là phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo siết chặt công tác quản lý, đi đôi với tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ATTP.

Ngay sau khi có Chỉ thị, các cấp ủy nhanh chóng xây dựng kế hoạch, tập trung chỉ đạo chính quyền và các đoàn thể vào cuộc quyết liệt. Quận ủy Cầu Giấy, Đống Đa đã chỉ đạo tăng cường vận động người dân thực hiện nghiêm Luật ATTP, đặc biệt là tuyên truyền cặn kẽ về cách nhận biết, tác hại của thực phẩm không bảo đảm ATTP. Huyện ủy Hoài Đức và Thường Tín cũng chỉ đạo tổ chức tập huấn kiến thức về vệ sinh ATTP cho cán bộ, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể.

Đồng thời, hai địa phương này luôn khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thực phẩm đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Riêng Huyện ủy Thường Tín đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành duy trì hoạt động nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.

Với quận Bắc Từ Liêm và huyện Phúc Thọ, sau khi dư luận phản ánh có hiện tượng thịt lợn được “phù phép” trở thành thịt bò, đã siết chặt hơn việc quản lý kinh doanh vận chuyển gia súc, gia cầm. Qua kiểm tra bước đầu, một số cơ sở vi phạm về vệ sinh ATTP đã bị đình chỉ hoạt động.

Phó Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm Nguyễn Thanh Minh cho biết, Ban Thường vụ Quận ủy đã yêu cầu các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể khẩn trương triển khai Chỉ thị của Thành ủy, đưa chỉ tiêu về ATTP vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm. Quận công khai số điện thoại của trưởng, phó đoàn thanh tra ATTP nhằm tiếp nhận và xử lý ngay những thông tin thực phẩm bẩn do người tiêu dùng cung cấp.

Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị

Cơ quan chức năng kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại siêu thị BigC.Ảnh: Tuấn Vũ


Sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy thời gian qua đáng được ghi nhận. Song mới chỉ là bước đầu và vẫn còn đó nhiều nỗi lo về nguy cơ mất vệ sinh ATTP. Trong khi đó ở không ít địa phương, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy và chính quyền chưa được quan tâm đúng mức. Công tác tuyên truyền, giáo dục chưa tạo được sự chuyển biến toàn diện về ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và người dân về tầm quan trọng của công tác vệ sinh ATTP.

Trên cương vị người tiêu dùng, ông Nguyễn Cao Cường, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy cho rằng, người dân đã cảm nhận rõ nét sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền đối với vấn đề ATTP. Nhưng ông Cường cũng lo ngại, việc thực hiện có nơi có thời điểm chỉ mang tính phong trào. Chỉ thị số 10 của Thành ủy khẳng định mọi người dân có quyền được sử dụng thực phẩm an toàn, song đến thời điểm này rất ít địa phương lập được trạm xét nghiệm nhanh. Hàng hóa vẫn bán công khai ở nhiều chợ, trên vỉa hè trong tình trạng “ba không”: Không nguồn gốc địa chỉ sản xuất (thịt), không nhãn mác, không hạn sử dụng (bánh kẹo, ô mai).

Về phần mình, một số cấp ủy cũng phản ánh khó khăn. Để bảo đảm ATTP đòi hỏi phải phát huy mạnh mẽ vai trò của cả hệ thống chính trị và khẳng định trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm của các ngành, đơn vị có liên quan trực tiếp, trong đó trách nhiệm quản lý nhà nước đóng vai trò then chốt. Nhưng hiện nay, biên chế không tăng, nhiều địa phương thiếu cả về lực lượng chuyên môn và trang thiết bị chuyên dụng.

Vì vậy, cần tăng cường đầu tư nhân lực, máy móc chuyên sâu nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về ATTP. Điều quan trọng hơn, các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể cần vào cuộc quyết liệt, thực hiện có hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ đề ra trong Chỉ thị số 10 của Thành ủy, để vấn đề ATTP không còn là nỗi lo. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sức khỏe lâu dài của người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.