(HNM) - Thời gian qua, thành phố Hà Nội tích cực xây dựng hạ tầng vận hành chính quyền điện tử, trở thành địa phương tiên phong tham gia Cổng dịch vụ công quốc gia, góp phần xây dựng chính phủ điện tử. Nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ đó được người dân, doanh nghiệp tin yêu, đánh giá cao.
Hiệu quả thực chất
Chị Trần Thị Minh Hải (ở 24 Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm) vui mừng chia sẻ sau khi đã làm xong thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch tại UBND xã Tam Hiệp (huyện Thanh Trì): “Khi được hướng dẫn, tôi đã ở nhà đăng nhập các thông tin để nộp hồ sơ qua mạng internet nên giảm được thời gian đi lại, chỉ cần một lần duy nhất đến trụ sở UBND xã để lấy kết quả”.
Với anh Bùi Văn Hiệp (Công ty cổ phần Tư vấn quản lý dự án Việt Nam), việc đăng ký nộp hồ sơ trực tuyến cũng thật dễ dàng khi anh thực hiện thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng. “Thao tác điền thông tin chỉ khoảng 10-15 phút là xong, bao gồm cả việc tải các tài liệu đính kèm là bản scan, ảnh chụp tài liệu gốc. Vì gần nhà nên tôi đã tự đến bộ phận “một cửa” của Sở Xây dựng Hà Nội lấy kết quả, còn nếu đăng ký trả kết quả tại nhà thì mình sẽ không phải đi lại lần nào, thật là tiện lợi”.
Tương tự, chị Chu Thị Ngọc Mai, nhân viên Công ty cổ phần Dịch vụ suất ăn hàng không Việt Nam đã nhiều lần làm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết: “Ưu điểm của nộp hồ sơ qua mạng là nếu hồ sơ chưa đủ thì cán bộ sẽ phản hồi để mình bổ sung trực tuyến luôn chứ không phải đến tận nơi bổ sung như trước đây nộp bản giấy. Việc này giúp tôi tiết kiệm nhiều thời gian và công sức đi lại”.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức, việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến cũng mang lại nhiều thuận lợi. Anh Trần Việt Bắc, công chức bộ phận “một cửa” của UBND quận Hoàn Kiếm chia sẻ: “Đối với các hồ sơ nộp trực tuyến, chúng tôi kiểm soát nhanh và chính xác hơn, hạn chế được các sai sót của công dân về việc khai thông tin”. Trong khi đó, Phó Chánh Văn phòng, Trưởng bộ phận "một cửa" của UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thùy Dương khẳng định: “Hệ thống “một cửa” điện tử thành phố dùng chung 3 cấp có nhiều điểm ưu việt, thể hiện rõ sự công khai, minh bạch, quy trình giải quyết. Qua hệ thống, từ cấp thành phố đến cấp quận, cấp phường đều kiểm soát được từng khâu giải quyết hồ sơ nên cán bộ, công chức luôn có ý thức làm tốt phần việc của mình. Từ khi thực hiện đến nay, tỷ lệ giải quyết hồ sơ hành chính của quận Hai Bà Trưng đạt 99,9%”.
Cùng với việc triển khai chính quyền điện tử, các quận, huyện, thị xã đã sáng tạo triển khai nhiều mô hình “tổ dân phố điện tử”, “khu chung cư điện tử” để hình thành những “công dân điện tử”. Trong năm 2019, cuộc thi “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến” được tổ chức trên địa bàn thành phố với hơn 867 nghìn lượt bài dự thi cho thấy dịch vụ công trực tuyến đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và người dân. Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn: “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến” đã tạo thành cuộc vận động lớn trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân Thủ đô, góp phần xây dựng công dân điện tử, chính quyền điện tử".
Quyết tâm thực hiện của các cấp chính quyền và sự hài lòng của các tổ chức, công dân đối với ứng dụng tiện ích của công nghệ thông tin cho thấy thành phố Hà Nội đang đi đúng hướng, với hiệu quả mang tính thực chất, sâu rộng…
Tiếp tục ứng dụng trí tuệ nhân tạo
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử thành phố Hà Nội, từ năm 2016 đến nay, thành phố đầu tư mạnh cho việc xây dựng hạ tầng của chính quyền điện tử. Hiện có 4 cơ sở dữ liệu nền tảng về dân cư, doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm đã được hoàn thành và 2 cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức và đất đai đang được tích cực xây dựng. Toàn bộ quy trình về thủ tục hành chính, dịch vụ công của Hà Nội đều tuân thủ các quy chuẩn quốc gia và sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương mà vẫn bảo đảm về bảo mật dữ liệu theo quy định. Đặc biệt, từ tháng 12-2019, 7 dịch vụ công trực tuyến của thành phố đã được tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia, gồm: Thông báo hoạt động khuyến mãi; đổi giấy phép lái xe do ngành Giao thông - Vận tải cấp; cấp chứng chỉ hành nghề y dược; cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh; cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; cấp bản sao trích lục hộ tịch; đăng ký khai sinh.
Có kết quả nêu trên là nhờ quá trình triển khai nghiêm túc, bài bản của các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị trong những năm qua. Tại các cuộc họp của Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử thành phố Hà Nội, với vai trò Trưởng ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung luôn yêu cầu các ngành thành viên tập trung thực hiện các nội dung nhằm bảo đảm xây dựng chính quyền điện tử hiệu quả, hướng tới người dân.
Trưởng phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ Hà Nội) Phạm Tuấn Anh cho biết, thành phố đã hoàn thành kết nối mạng WAN đến 584/584 xã, phường, thị trấn; kết nối mạng hệ thống tin học của UBND thành phố với mạng truyền số liệu chuyên dùng của Chính phủ, thực hiện liên thông các hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xuyên suốt đến thành phố; bảo đảm duy trì mạng thông tin điện tử, chia sẻ dữ liệu giữa Thành ủy, HĐND, UBND thành phố. Đến nay, thành phố đã phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đến cấp huyện và cấp xã phục vụ yêu cầu giải quyết công việc và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho công dân và doanh nghiệp. Về cơ bản, 584 xã, phường, thị trấn đã được trang bị máy tính, máy in, máy quét để triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
Đáng chú ý, toàn thành phố có 1.448 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, trong đó có 239 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đến nay, số lượng hồ sơ tiếp nhận trên Cổng dịch vụ công và hệ thống “một cửa” điện tử thành phố đạt hơn 2,2 triệu hồ sơ. Riêng thủ tục liên thông đăng ký khai sinh đang vận hành trên hệ thống “một cửa” điện tử dùng chung đạt tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến là 74%. Đặc biệt, sau hơn một năm thành phố Hà Nội triển khai hệ thống “một cửa” điện tử thành phố dùng chung 3 cấp trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (từ ngày 17-11-2018), dịch vụ công trực tuyến đã khẳng định rõ sự ưu việt.
Từ những kết quả đạt được, thành phố Hà Nội tiếp tục đặt ra những mục tiêu phấn đấu để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. “Hà Nội sẽ hoàn thành nhiệm vụ kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Sắp tới, Hà Nội sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào công tác hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Thành phố quyết tâm xây dựng nền hành chính lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ, làm thước đo chất lượng cải cách hành chính”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Quá trình củng cố, vun đắp niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, của xã hội cũng chính là quá trình bảo đảm cho con đường phát triển thêm bằng phẳng, thuận lợi. Đó chính là dòng chảy cuộc sống, là yêu cầu đặt ra từ thực tiễn của việc xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.