(HNM) - Gói thầu xây dựng 18 cây cầu dành cho người đi bộ thuộc dự án tăng cường an toàn giao thông chính thức được thực hiện vào cuối năm 2007, nhằm khắc phục tình trạng đơn tầng của hệ thống giao thông đô thị, bảo đảm an toàn cho người đi bộ, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên, sau thời gian ngắn thực hiện, dự án này đã bộc lộ nhiều bất cập cần được khắc phục. Không ít cầu vượt dựng lên nhưng không có người đi, công tác khảo sát, tìm vị trí xây dựng cầu của chủ đầu tư chưa hợp lý, khâu thiết kế thiếu thẩm mỹ… Xung quanh chủ đề về những cây cầu vượt dành cho người đi bộ, Báo Hànộimới đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc.
Cầu vượt dành cho người đi bộ tại ngã ba đường Giải Phóng - Lê Thanh Nghị. |
Anh Vũ Trường Giang (phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm):
Chưa có đường đi cho người khuyết tật...
Có một điều khiến tôi băn khoăn, đó là khi xây dựng cầu vượt bộ hành, các nhà thiết kế, chủ đầu tư... không quan tâm đến lối đi cho người khuyết tật. Tôi thấy, tất cả cầu vượt dành cho người đi bộ đều được thiết kế với bậc cầu thang có độ dốc tương đối lớn, không bố trí đường dành riêng cho người khuyết tật, đi xe lăn.
Bà Nguyễn Thanh Tú (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình):
Nhiều cầu vượt vắng người qua lại
Theo quan sát của tôi, ngoài hai cây cầu được đặt tại ngã ba đường Giải Phóng - Lê Thanh Nghị và trước cổng Trường Đại học Giao thông - Vận tải Hà Nội là phát huy được tác dụng, còn lại các cây cầu khác đều vắng người qua lại. Một số cây cầu vượt đặt ở Giảng Võ, Liễu Giai, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Cừ… rất ít người đi. Theo tôi, ngoài nguyên nhân ý thức của người tham gia giao thông chưa cao, thì lý do chính là chủ đầu tư không chú trọng khâu khảo sát, thiết kế, tìm vị trí hợp lý để xây dựng cầu vượt, vừa gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân, vừa giảm hiệu quả sử dụng của cầu. Điển hình là trường hợp cầu vượt đặt tại đường Nguyễn Chí Thanh. Theo quy hoạch, cây cầu này nằm phía đầu đường Nguyễn Chí Thanh, nhưng phần chân cầu lại chắn ngang lối đi vào ngõ 25, khiến cho việc đi lại của người dân ở đây phải chui qua gầm đường dẫn lên cầu và lối đi bị thu hẹp. Sau khi bị người dân phản ứng, cây cầu được chuyển về địa điểm mới, trước cổng Trường Đại học Luật Hà Nội. Thế nhưng, cây cầu này cũng không phát huy được tác dụng, hầu hết người dân và sinh viên các trường đại học xung quanh đó vẫn băng qua dải phân cách để sang đường.
Anh Nguyễn Quang Hưng (phường Đức Giang, quận Long Biên):
Cần quan tâm đến yếu tố thẩm mỹ và quy hoạch chung
Là một kiến trúc sư, có điều kiện được đi tham quan nhiều nước trên thế giới, tôi thấy việc xây dựng cầu vượt cho người bộ hành là rất cần thiết và đã được nhiều nước áp dụng. Tuy nhiên, khi đưa dự án này vào Việt Nam dường như cơ quan chức năng đã "bỏ qua" công tác điều tra xã hội học về nhu cầu sử dụng cũng như chưa chú ý đến tính thẩm mỹ của cầu vượt. Cầu vượt đường bộ ở mỗi thành phố thường có những đặc điểm riêng, song cần tính thẩm mỹ, phù hợp với cảnh quan xung quanh như một điểm nhấn trong kiến trúc đô thị hiện đại. Theo tôi, trung bình mỗi cây cầu vượt có tuổi thọ từ 40 đến 50 năm, do vậy, khi xây dựng, chúng ta cần dự đoán, phân tích tất cả các yếu tố có thể xảy ra với sự phát triển của đất nước. Điều quan trọng, phải có sự gắn kết cầu vượt bộ hành với các công trình công cộng khác như: đường sắt trên cao, xe buýt, tàu điện ngầm…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.