Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao trì hoãn giao nộp gấu nuôi nhốt?

Minh Phú| 06/07/2016 06:45

(HNM) - Bộ NN&PTNT đã ban hành quyết định về quản lý gấu nuôi nhốt và khuyến khích người dân bàn giao gấu cho cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, người dân vẫn trì hoãn giao nộp, trong khi sức khỏe vật nuôi ngày càng giảm...


Gấu nuôi nhốt ở một hộ gia đình tại xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ).


Gấu ngựa và gấu chó là động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm được pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế bảo vệ. Cả hai loài gấu đều đang bị đe dọa tuyệt chủng do sự suy giảm môi trường sống và do nạn nuôi nhốt gấu lấy mật. Sau khi có nghị định của Chính phủ về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, loài gấu đã được chuyển từ động vật nhóm 2 sang nhóm 1 B với yêu cầu nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Tuy nhiên, do lịch sử để lại, số gấu nuôi nhốt trong các hộ dân vẫn được duy trì tại đây, chỉ có điều nghiêm cấm khai thác, sử dụng vào mục đích thương mại và không được phép trích hút mật. Tất cả các cá thể gấu nuôi đều được cơ quan kiểm lâm gắn chíp nhằm giúp các cơ quan chức năng kiểm soát nạn săn bắt gấu ngoài tự nhiên.

Ông Lương Xuân Hà, Trưởng phòng Bảo tồn tài nguyên sinh vật rừng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết: Theo quy chế quản lý gấu nuôi của Bộ NN&PTNT, gấu không được bán, khi gấu không may bị chết phải báo với cơ quan chức năng. Nhà nước cũng sẵn sàng tiếp nhận gấu nuôi nếu các hộ không muốn nuôi nữa và tự nguyện bàn giao lại. Thời gian gần đây, nhiều tổ chức phi chính phủ đã tuyên truyền, vận động người dân giao nộp lại gấu để đưa về các trung tâm cứu hộ ĐVHD nhưng chưa có ai giao nộp. Theo Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, toàn thành phố hiện có số lượng gấu nuôi lớn nhất cả nước với 260 cá thể, trong đó riêng huyện Phúc Thọ tập trung 193 con. Ngoài ra, còn một số hộ nuôi ở thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì, Vườn thú Hà Nội và Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội...

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Hoàng Thị Tuyết cho biết: Nếu như đầu năm 2013, huyện có 43 cơ sở nuôi gấu với 256 con thì hiện nay chỉ còn 34 cơ sở nuôi với 193 con. Trong đó, chỉ có một vài con được bàn giao cho cơ quan chức năng, còn lại là bị chết. “Thực tế, quá trình nuôi nhốt gấu khá tốn kém, nên chế độ cho ăn không bảo đảm dẫn đến sức khỏe gấu nuôi kém và chết dần” - bà Hoàng Thị Tuyết cho biết. Trong khi đó, mặc dù việc trích hút mật gấu là trái phép nhưng người dân vẫn được phép nuôi giữ gấu. Đây chính là kẽ hở để nhiều chủ trang trại gấu triệt để khai thác, lén lút hút mật.

Xã Phụng Thượng là địa bàn tập trung chủ yếu số gấu nuôi ở huyện Phúc Thọ. Theo Chủ tịch UBND xã Hoàng Quang Giáp, mặc dù điều kiện chăm sóc khó khăn, chi phí cho thức ăn của gấu khá tốn kém, nhưng nhiều người dân vẫn không tự nguyện bàn giao cho cơ quan chức năng. Bởi thực tế, những năm 1999-2000 nhiều hộ đã bỏ ra hàng chục cây vàng để mua gấu, nay nếu giao lại cho Nhà nước họ đều mong muốn được hỗ trợ một phần kinh phí. Trong khi đó, theo quy định, cơ quan quản lý chỉ tiếp nhận khi các hộ dân tự nguyện bàn giao...

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Trần Quang Vinh cho biết: Theo quy định thì Nhà nước không hỗ trợ kinh phí cho người dân bàn giao gấu. Ngược lại vì tiếc công tiếc của nên người dân cũng không tự giác bàn giao. Đây là khó khăn lớn nhất dẫn đến tình trạng số lượng gấu được bàn giao cho cơ quan chức năng suốt 10 năm qua vẫn chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Vì vậy, có lẽ giải pháp duy nhất đặt ra hiện nay vẫn là tiếp tục tích cực tuyên truyền, vận động, kêu gọi người dân tự nguyện bàn giao lại cho cơ quan nhà nước để giảm bớt nguy cơ tuyệt chủng với loài gấu. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao trì hoãn giao nộp gấu nuôi nhốt?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.