Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao “trên nóng, dưới lạnh” ?

Chí Đạo| 22/08/2011 07:22

(HNM) - Chỉ còn vài ngày nữa là thời gian gia hạn thực hiện kế hoạch xử lý vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn TP Hà Nội đã hết (kết thúc vào ngày 25-8-2011) nhưng kết quả đạt được rất thấp...

Theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội, việc xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều năm 2011 sẽ được thực hiện trong thời gian từ ngày 25-5 đến 25-7-2011. Tuy nhiên, qua hai tháng triển khai mới có 16/26 quận, huyện có đê thành lập Ban chỉ đạo, 13 quận, huyện xây dựng kế hoạch và chỉ có 4 quận, huyện tổ chức ra quân xử lý vi phạm. Do đó, số vụ việc được giải quyết không nhiều, đa số là vi phạm đơn giản. Trước tình hình này, UBND TP đã gia hạn thời gian xử lý đến ngày 25-8-2011. Tuy nhiên, đến ngày 19-8, theo thống kê của Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội, toàn thành phố mới xử lý được 78 vụ trong 1.324 vụ vi phạm pháp luật đê điều tồn đọng từ năm 2008 đến nay. Trong khi đó, phát sinh vi phạm mới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với 223 vụ, trong đó có 45 vụ xây, sửa nhà bê tông, công trình kiên cố; 19 vụ chất chứa vật liệu xây dựng...

Theo ghi nhận của PV Hànộimới trong hai ngày 18 và 19-8, trên hệ thống đê sông Hồng, hành lang sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích... hàng nghìn vụ vi phạm vẫn chưa thấy dấu hiệu được xử lý. Trên đê sông Hồng qua các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, huyện Thanh Trì, Gia Lâm... tại các điểm "nóng", những vi phạm vẫn tiếp diễn như đổ rác, phế thải ra bờ sông ở phường Phúc Xá (quận Ba Đình), phường Phúc Tân và Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), khu vực gầm cầu Thanh Trì, phường Tứ Liên (quận Tây Hồ); xây dựng lều lán, cải tạo lều lán thành nhà ở ngoài bãi sông thuộc tuyến thoát lũ phường Quảng An, Tứ Liên (quận Tây Hồ); xây dựng nhà kiên cố ngay trên kè Phong Vân (Ba Vì)... Ngoài ra, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hồng, sông Đuống tiếp tục diễn ra nghiêm trọng dù lực lượng chức năng đã tổ chức ra quân quét "cát tặc". Gần đây nhất, đầu tháng 8, UBND TP đã có công văn yêu cầu các sở, ngành, địa phương nghiêm túc chấn chỉnh, nhưng hoạt động khai thác cát trái phép không những không giảm mà còn phức tạp hơn. Tại khu vực kè Bát Tràng, xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm), đoạn sông từ khu vực chân cầu Thanh Trì đến kè Bát Tràng có khoảng 10 tàu hút cát trái phép hoạt động. Ông Phùng Đắc Mơ, xóm 1, xã Bát Tràng, người bán hàng nước ngay cạnh kè Bát Tràng bức xúc: "Tiếng ồn của máy hút cát tra tấn người dân từ 1-2 giờ sáng đến chiều tối mới tha. Có ngày, số lượng lên đến 28-30 chiếc tàu ken đặc cả đoạn sông. Cứ hút đầy, các tàu này lại xuôi sông Hồng về phía tỉnh Hưng Yên. Tình trạng này xảy ra ngày này qua ngày khác, khi có lực lượng chức năng kiểm tra thì số lượng tàu, tần suất khai thác giảm hơn rồi sau khi lực lượng này rút đi, vi phạm lại trở lại như trước".

Chính quyền và các cơ quan chức năng chưa làm tròn trách nhiệm

Thực tế ở một số nơi cho thấy, chính quyền địa phương đã có sự "thông đồng" với đối tượng vi phạm bởi không thể xây dựng hoàn thiện một ngôi nhà kiên cố dưới chân đê trong một sớm một chiều. "Một tay" tiếp tay cho vi phạm, "một tay" xử lý vi phạm nên ở một số nơi, chính quyền địa phương rơi vào tình cảnh "há miệng mắc quai" dẫn đến việc cố tình làm ngơ khiến ngày càng nhiều vi phạm mới phát sinh (năm 2009 phát sinh 382 vụ, năm 2010 là 461 vụ và 7 tháng đầu năm 2011 là 223 vụ). Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hà Đức Trung cho rằng, do chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và chính quyền các cấp dẫn đến xử lý còn nhiều hạn chế, kết quả thấp, tính răn đe giáo dục không cao.

Một vấn đề khác cũng khiến các địa phương ăn ngủ không yên khi việc xử lý vi phạm đang ở trong tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa". Theo ông Trần Gia Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa (huyện có số vụ vi phạm đê điều nhiều nhất TP), việc ra quân xử lý vi phạm không đồng loạt giữa các địa phương trên cùng một tuyến đê sẽ dẫn đến tái phạm vì người dân so sánh với nơi chưa xử lý. Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để xảy ra vi phạm một phần do trách nhiệm của Hạt Quản lý đê bởi khi phát hiện vi phạm, hạt chỉ lập biên bản mà không đôn đốc địa phương xử lý…

Như vậy, sự bế tắc trong việc xử lý các vi phạm đê điều trên địa bàn Hà Nội chủ yếu thuộc về cơ sở. Nguyên nhân của tình trạng trên là do chính quyền và các lực lượng chức năng không quyết liệt vào cuộc. Có lẽ, đã đến lúc cần gắn trách nhiệm của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương trong việc xử lý các vi phạm này. Chỉ có như vậy mới chấm dứt được tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao “trên nóng, dưới lạnh” ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.