(HNM) - Trong đơn gửi Báo Hànộimới, người dân ở ngõ 76 An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ phản ánh:
Sau khi cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng, lại "mọc" tiếp công trình trái phép khác. |
Qua tìm hiểu vụ việc, được biết nhà ở, vườn cây của một số hộ gia đình trong diện bị cưỡng chế tháo dỡ ngày 25-2-2011, nằm trong khu đất 16ha (đất bãi ven sông Hồng), ở số 76 An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ. Năm 1993, UBND TP Hà Nội đã giao khu đất này cho Công ty Khai thác cát và vật liệu xây dựng (nay là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Hà Nội) sử dụng làm bãi chứa vật liệu xây dựng (VLXD) và khai thác cát. Tuy nhiên, đến ngày 15-9-1999, để bảo đảm thoát lũ sông Hồng, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 679/QĐ-UB, cấm mọi hoạt động khai thác cát ở đây. Ngay sau khi Công ty CP Đầu tư Xây dựng Hà Nội ngừng mọi hoạt động khai thác cát và sản xuất VLXD thì tình trạng đổ trộm phế thải, san lấp, xây dựng trái phép ở khu vực 16ha diễn ra công khai, hết sức phức tạp.
Để bảo đảm trật tự trị an trên địa bàn, ngày 29-10-2001, UBND quận Tây Hồ có Văn bản số 96, yêu cầu UBND TP thu hồi lại khu đất trên. Sau khi kiểm tra hiện trạng khu đất, ngày 13-5-2008, UBND TP Hà Nội có Công văn số 2843, chỉ đạo Công ty CP Đầu tư Xây dựng Hà Nội lập dự án đầu tư, sử dụng 16ha đất bãi tại khu vực 76 An Dương làm khu vui chơi giải trí và trồng cây xanh. Thế nhưng, do vướng mắc về Luật Đê điều, về dòng chảy của sông Hồng và vùng thoát lũ của thành phố, đến nay dự án này chưa triển khai được. Do đó, tình trạng san lấp, lấn chiếm và xây dựng trái phép tại khu đất này vẫn tiếp tục diễn ra, cả người ở nơi khác cũng "nhảy dù" chiếm đất, cư trú và chuyển nhượng trao tay.
Ông Nguyễn Trần Hoàng, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Phụ cho biết: Hành vi san lấp, xây dựng trái phép đất công của các đối tượng này rất tinh vi. Họ chủ yếu thực hiện vào ban đêm để đến ngày hôm sau là có thể sang tay cho người khác với giá từ 3 đến 4 trăm triệu đồng/một ngôi nhà cấp bốn, rộng từ 15 đến 20m2. Chính quyền kiểm tra người bán, người mua nhà đều không ra mặt. Thực hiện công tác cưỡng chế hết lần này đến lần khác vẫn không xuể vì khi lực lượng chức năng đi khỏi các đối tượng lại tái diễn vi phạm. Vậy mà, khi trao đổi vấn đề này với người dân, đa số mọi người đều né tránh, không thừa nhận việc cố tình lấn chiếm, xây dựng trái phép. Bên cạnh đó, một số hộ, như gia đình chị Nguyễn Thị Hoa, Vũ Thu Hằng… còn khẳng định đất là do tự mình khai hoang và phàn nàn, cho rằng chính quyền sở tại đã quá vội vàng thực hiện tháo dỡ công trình mà không có kế hoạch kiểm đếm, đền bù thiệt hại tài sản với người dân.
Ông Hoàng Mạnh Khương, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ không thừa nhận có những khúc mắc trên; đồng thời cho rằng những vấn đề người dân kiến nghị là không có căn cứ. Chứng cớ ông Khương giải thích là Công văn số 8785, ngày 11-9-2009 của UBND TP Hà Nội, với nội dung ghi rõ: "Do hết thời gian hạn định nhưng Công ty CP Đầu tư Xây dựng Hà Nội chưa lập xong dự án quản lý đất tại khu vực 16ha An Dương, nên UBND TP chỉ đạo UBND quận Tây Hồ phải nhanh chóng tổ chức giải tỏa, thu hồi lại những diện tích đất bị lấn chiếm theo quy định của pháp luật. Sau đó lập phương án quản lý (cắm mốc giới), sử dụng tạm thời để chống lấn chiếm..." Như vậy, việc chính quyền tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ công trình của các hộ xây dựng trái phép trên đất công là đúng với tinh thần chỉ đạo của cấp trên. Ông Lê Quang Chính, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Tây Hồ cũng khẳng định, toàn bộ diện tích mà các hộ gia đình cho là đất khai hoang là hoàn toàn không có cơ sở, vì tất cả đều nằm trên khu đất 16ha, thành phố đã giao cho UBND quận quản lý theo Công văn số 8785. Trước khi thực hiện cưỡng chế, chính quyền địa phương đã thông báo sự việc đến từng hộ gia đình, nhưng người dân không chịu chấp hành. Cho nên không thể yêu cầu chính quyền đền bù những thiệt hại về tài sản.
Được biết, hiện tại tình trạng lấn chiếm đất công, rồi san lấp, xây dựng để chuyển nhượng trái phép tại khu vực 16ha, phố An Dương, phường Yên Phụ vẫn "nóng" và chưa có dấu hiệu dừng lại. Không phải chính quyền địa phương yếu kém trong vấn đề quản lý, không xử lý triệt để các trường hợp vi phạm mà một phần không ít số người dân thiếu ý thức chấp hành các quy định của pháp luật, thậm chí, nhiều trường hợp cố tình vi phạm, nhằm phục vụ mục đích riêng. Thiết nghĩ, để ngăn chặn các hành vi lấn chiếm, xây dựng trái phép ở ngõ 76 An Dương đạt được hiệu quả cao thì các cấp chính quyền cần phải có một cách làm đồng bộ. Thiết nghĩ sau khi thu hồi đất, UBND quận Tây Hồ cần sớm hoàn thành việc cắm mốc giới, rồi giao cho một đơn vị có năng lực quản lý, khai thác. Tránh tình trạng người dân thả nổi đất đai để người dân có cơ hội vi phạm rồi chính quyền xử lý, lặp đi, lặp lại hết năm này sang năm khác, chuyện đó, khác gì việc "bắt cóc, bỏ đĩa", tốn công sức, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.