(HNM) - Ở một số huyện ven đô, đã xảy ra tình trạng
Găm đất chờ dự án
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, cả thành phố còn khoảng 1.000ha lúa xuân chưa cấy, tập trung ở 3 huyện Từ Liêm, Gia Lâm, Hoài Đức. Theo Phó phòng NN&PTNT huyện Gia Lâm Vũ Mạnh Kha, Gia Lâm cấy muộn là do nông dân còn đợi thuê nhân công từ địa phương khác, trong khi người dân ở đây cơ bản đã chuyển sang làm nghề và buôn bán. Tương tự, tại huyện Từ Liêm, dù vụ xuân 2011 chỉ có 500ha đất canh tác và đã được đổ ải 100%, song mới cấy được khoảng 40%. Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT) Nguyễn Duy Hồng lý giải, sở dĩ Từ Liêm, Gia Lâm và nhiều địa phương khác cấy chậm là do tốc độ đô thị hóa những năm qua diễn ra nhanh, nông dân không mặn mà với cây lúa mà chuyển sang các ngành nghề, dịch vụ khác. Trong quá trình đô thị hóa, doanh nghiệp không chú ý bảo vệ môi trường và hệ thống thủy lợi khiến kênh mương tưới tiêu nông nghiệp phần lớn hư hỏng, nước thải ô nhiễm khiến đất canh tác phải bỏ hoang ngày càng nhiều.
Xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm có nhiều khu đô thị. Tuy nhiên, phía sau các tòa cao ốc là diện tích lớn đất trồng lúa bị bỏ hoang. Men theo con mương đất đến cánh đồng ven đường Cầu Đôi, thôn Phú Đô, chúng tôi chứng kiến cảnh nước thải đen ngòm, hôi thối đổ thẳng ra ruộng. Khoảng 1ha đất đã bị bỏ hoang, cỏ mọc cao hơn đầu người, đi tới đâu chuột chạy loạn xạ đến đó. Ông Đào Tăng Quýnh, Chủ tịch UBND xã Mễ Trì khẳng định, nguyên nhân là do các doanh nghiệp khi xây dựng cao ốc không đầu tư hệ thống xử lý nước thải mà xả trực tiếp ra kênh mương, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Toàn xã còn 150ha đất nông nghiệp thì có tới quá nửa bỏ hoang, số còn lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tuy vẫn cấy được nhưng năng suất giảm nhiều. Hiện tại, cả huyện Từ Liêm có hơn 200ha đất nông nghiệp ở các xã Tây Mỗ, Đại Mỗ, Xuân Đỉnh, Mễ Trì… bị bỏ hoang do gặp khó khăn về thủy lợi. Một nửa trong số đó là đất xen kẹt giữa các khu đô thị, hệ thống thủy lợi bị phá vỡ, không có kênh mương tưới tiêu.
Ông Vũ Mạnh Kha cho biết thêm, nông dân các xã ven đô chán ruộng, vì cấy lúa chỉ đạt năng suất 2 tạ/sào đối với những ruộng tốt, trừ chi phí, lợi nhuận thu được quá thấp. Ở nhiều xã, nông dân đã chuyển sang làm dịch vụ thương mại để thu nhập cao hơn. Đáng lo ngại hơn là nông dân có tâm lý chờ dự án thu hồi để hưởng đền bù cao nên chẳng chịu canh tác.
Qui hoạch lại vùng sản xuất
Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, vụ xuân năm nay nếu không cấy lúa trong khung thời vụ thì nguy cơ năng suất thấp dễ xảy ra. Hà Nội đã đúc kết kinh nghiệm chuyển mùa vụ sang cấy xuân sớm, vừa tránh được sâu bệnh lại khắc phục được khô nóng khi lúa trỗ. Đến ngày 28-2, thành phố đã cấy được trên 80% diện tích lúa xuân, nhiều huyện như Ba Vì, Thạch Thất, Sơn Tây, Phúc Thọ, Quốc Oai, Mỹ Đức đã cơ bản cấy xong… Sở NN&PTNT khuyến cáo, đối với diện tích cấy muộn sau ngày 5-3, nhiệt độ cao nên tốc độ tăng trưởng của lúa nhanh, không tốt cho việc kết hạt, ảnh hưởng đến năng suất. Để khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, cần duy trì đủ nước mặt ruộng 3-5cm, bón tăng khoảng 20% đến 30% phân bón so với bình thường và tăng số lần bón nhưng phải tùy theo điều kiện cụ thể của thời tiết. Mục tiêu là phải đưa thời gian trỗ của lúa sang đầu tháng 5, sẽ thuận lợi cho lúa trỗ bông, tỷ lệ hạt chắc cao. Nhiều chuyên gia khuyến cáo cần tăng lượng phân bón thêm 1 đến 1,5 kg/sào và tăng số lần bón.
Tiến sỹ Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, các huyện ven đô cần quy hoạch lại vùng sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi sang trồng rau, hoa, cây cảnh kết hợp với nhà vườn, tạo vành đai xanh cho đô thị, không nhất thiết là phải cấy lúa hiệu quả thấp như hiện nay. Trên cơ sở đó cần rà soát, quy hoạch lại vùng sản xuất, có sự đầu tư thỏa đáng cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật các vùng đất nông nghiệp khắc phục triệt để tình cảnh cấy muộn so với khung thời vụ chung ở một số địa phương như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.