Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao nông dân không mặn mà?

Thu Hằng| 28/03/2011 07:31

(HNM) - Hai năm trở lại đây, xu hướng cho vay qua tổ vay vốn (TVV) Ngân hàng NN&PTNT giảm mạnh cả về số tổ, số thành viên lẫn dư nợ cho vay. Nhiều hộ thiếu vốn nhưng lại không muốn vay qua TVV. Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do món vay nhỏ, thời gian vay ngắn, không đủ để các hộ nông dân đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả.


"Đói" vốn nhưng không vay


Làm thủ tục vay vốn tại Phòng giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Anh. Ảnh: TTXVN


Nhằm giúp đỡ nông dân có vốn phát triển kinh tế, các TVV được thành lập theo Nghị quyết liên tịch số 2308 giữa Hội Nông dân và Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam về việc cho nông dân vay tín chấp món vay dưới 10 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, hiện nay tại địa bàn các huyện ngoại thành Hà Nội, nhiều hộ nông dân mặc dù rất "đói" vốn nhưng không muốn vay qua TVV. Nhiều địa phương trước đây là điển hình trong công tác liên kết cho vay vốn thông qua hình thức này nhưng hiện nay, số TVV, số hộ vay và dự nợ giảm nhiều so với trước. Năm 2010, ở Hà Nội, số tổ tín chấp chỉ còn 820, giảm 272 tổ, số tiền dư nợ cũng giảm 74,272 tỷ đồng so với năm 2009.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tốt Động (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Đăng Quý cho biết, từ năm 2008 trở về trước, nhu cầu vay vốn của nông dân thông qua TVV rất lớn. Hầu hết thôn, xóm đều thành lập TVV, số hộ tham gia vay đông. Tuy nhiên, hiện nay, số hộ vay ở các xóm giảm một nửa. Toàn xã chỉ còn 272 hộ vay qua 8 TVV với dư nợ 2,414 tỷ đồng. Ông Nguyễn Chương Khang, xóm Và, xã Tốt Động cho biết, hiện gia đình ông đang vay 10 triệu đồng của Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Chương Mỹ để đầu tư chăn nuôi. Tuy nhiên, món vay quá ít, thời gian vay chỉ 1 năm cộng với lãi suất cao, lại biến động liên tục nên hiệu quả đầu tư thấp. Ông Khang cho biết, hết năm nay ông sẽ tìm kiếm ngân hàng khác để có thể được vay món vay cao, lãi suất hợp lý hơn.

Không chỉ có xã Tốt Động, ở nhiều địa phương khác cũng xảy ra tình trạng tương tự. Cụ thể, năm 2009 Hội Nông dân huyện Ba Vì có số dư nợ đạt 32 tỷ đồng nhưng đến cuối năm 2010 thì dư nợ giảm, chỉ còn 19,153 tỷ đồng. Ở huyện Thạch Thất, dư nợ cũng giảm xuống còn 16,253 tỷ đồng, khá thấp so với trước đó.

Nhiều rào cản

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Vũ Thúy Lan thừa nhận, tại một vài quận, huyện, thị xã, việc triển khai cho hộ nông dân vay vốn qua tổ, nhóm đạt kết quả thấp là do một số cơ sở hội chưa chủ động trong việc phối hợp với ngân hàng và tổ chức thành lập các TVV, dẫn đến tỷ trọng tín dụng dài hạn còn thấp. Ngoài ra, do thủ tục vay rườm rà (phải là thành viên TVV, có tài sản thế chấp gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đất nông nghiệp; có dự án sản xuất kinh doanh khả thi... thì ngân hàng mới xem xét cho vay) nên nhiều hộ không còn "mặn mà" vay qua TVV.

Theo ông Nguyễn Văn Vỹ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sóc Sơn, cán bộ tín dụng một số chi nhánh ngân hàng "ngại" thẩm định những dự án với món vay nhỏ; vốn huy động của một số ngân hàng hạn chế; thời gian cho vay ngắn không đủ để người nông dân đầu tư trồng các loại cây, con giống có thời gian sinh trưởng dài; tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở ở một số địa phương chậm khiến nhiều hộ không có tài sản bảo đảm khi vay... là nguyên nhân khiến nông dân không mặn mà vay qua TVV. Để giúp nông dân được vay món vay lớn hơn đầu tư sản xuất, kinh doanh, bà Vũ Thúy Lan đề nghị Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam cần đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nâng mức vay có bảo đảm bằng tài sản, tăng thời gian cho vay, giảm lãi suất cho vay đối với hộ sản xuất nông nghiệp. Có như vậy thì nông dân mới yên tâm vay vốn, đầu tư phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao nông dân không mặn mà?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.