Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao không có phí chuyển nhượng?

Mai Hoa| 23/04/2012 13:57

(HNMO) - Buổi lễ ký kết chính thức chuyển nhượng thương quyên truyền hình giữa đại diện lãnh đạo của LĐBĐ Việt Nam (VFF) và lãnh đạo Cty Công ty Cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên (AVG) với Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (APF) đã được tổ chức sáng 23-4, sớm hơn kế hoạch.

AVG đã chính thức chấm dứt hợp đồng với VFF


Vì sao vậy ? Câu trả lời là vì VPF đồng ý thực hiện các điều kiện AVG đưa ra. Dưới đây là chi tiết các điều kiện này (trích công vắn số: 69/TTAV-CV v/v chuyển nhượng thương quyền truyền hình AVG gửi VPF):

Thứ nhất: Do AVG chỉ là một bên trong Hợp đồng 08/HĐ/2010/VFF-AVG mà theo Hợp đồng này việc chuyển nhượng Hợp đồng phải được sự chấp thuận của VFF. Vì vậy, việc chuyển nhượng thương quyền từ AVG sang VPF nhất thiết phải được VFF đồng ý (điều kiện này đã được thực hiện - PV).

Thứ hai: Do AVG đã có văn bản cam kết với Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và Đài Truyền hình kỹ thuật số (VTC) về việc chia sẻ 70% thương quyền truyền hình các giải bóng đá Việt Nam cho các đài này nên sau khi tiếp quản Hợp đồng 08/HĐ/2010/VFF-AVG, VPF cần giữ nguyên cam kết này. Các nội dung cụ thể sẽ do VPF và các đài này thỏa thuận với nhau.

Thứ ba: Do VPF đã bảo đảm với AVG là mỗi năm VPF sẽ đem lại cho bóng đá Việt Nam tối thiểu 50 tỷ đồng nên VPF cần thực hiện cam kết này bằng văn bản với VFF và AVG, vì sự phát triển chung của Bóng đá Việt Nam.

Khi VPF đã đáp ứng các điều kiện trên, AVG sẽ không yêu cầu VPF bồi hoàn các khoản lỗ của AVG trong thời gian qua khi khai thác thương quyền truyền hình các giải bóng đá Việt Nam. Hơn thế nữa, AVG sẽ hỗ trợ VPF và VFF bằng cách sẽ là 1 thành viên giám sát việc thực hiện Hợp đồng sau đây giữa VFF và VPF.

Đáp ứng các điều kiện của AVG, Biên bản thỏa thuận giữa 3 bên VFF-AVG-VPF đã được ký kết sáng 23-4. Đại diện AVG là Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vũ (bên A). Đại diện VPF là Chủ tịch HĐQT Võ Quốc Thắng (bên B). Đại diện VFF là PCT VFF Lê Hùng Dũng (bên C). Các bên đã cùng thống nhất thỏa thuận với nội dung cụ thể như sau:

1. Bên A đồng ý thanh lý toàn bộ Hợp đồng số 08/HĐ/2010/VFF-AVG đã ký giữa bên A và bên C trên cơ sở cam kết của bên B về việc khai thác bản quyền truyền hình các giải đấu do bên B được ủy quyền tổ chức với giá trị tối thiểu 50 tỷ đồng/năm kể từ năm 2013 trở đi để tăng nguồn thu cho bóng đá Việt Nam.

Bên B có trách nhiệm làm việc với Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và Đài truyền hình kỹ thuật số (VTC) để thực hiện việc phát hình rộng rãi phục vụ đông đảo người hâm mộ trên cơ sở tôn trọng những thỏa thuận của bên A với các đài này.

2. VFF và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam ghi nhận đóng góp của Công ty cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên trong thời gian qua đã giúp nâng giá trị thương quyền truyền hình của bóng đá Việt Nam.

3. VPF cam kết sẽ làm tốt nhất để xây dựng, nâng cao chất lượng các giải bóng đá do Công ty được ủy quyền tổ chức.

Các bên tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật, của VFF để tạo điều kiện cho VPF có thể triển khai việc khai thác thương quyền truyền hình ngay từ vòng đấu thứ 15 của giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Rốt cuộc, vấn đề bản quyền truyền hình bóng đá nóng bỏng suốt thời gian qua đã chính thức có một kết thúc có hậu, có lợi cho sự phát triển lâu dài của bóng đá Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao không có phí chuyển nhượng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.