Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao học sinh oằn lưng cõng cặp?

Thống Nhất| 06/10/2010 07:14

LTS: Hình ảnh những học sinh (HS) còng lưng cõng chiếc cặp nặng 3-4kg ngập tràn trên các tờ báo mạng mấy ngày nay sau khi có thông tin về việc một HS lớp 4 tại TP Hồ Chí Minh bị cho là vì mang cặp quá nặng nên gãy xương vai.

Mối lo ngại về việc hằng ngày trẻ em phải mang lượng lớn sách vở đến trường khiến đôi vai nhỏ phải chịu gánh nặng quá sức và sâu xa hơn là sự quá tải trong giáo dục lại một lần nữa được xới lên, dẫu vì điều ấy mà đã 2 lần, vào năm 2003 và 2007, Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) phải đi cân cặp. Có nhiều nguyên nhân được lý giải, nhiều giải pháp được đưa ra, song có một nguyên nhân chưa được đề cập tới dù giải pháp cho nó không tốn thời gian, công sức, tiền của mà chỉ cần một tấm lòng.

Bài 1: Một chiếc cặp - nhiều nỗi khổ

Chiếc cặp lẽ ra chỉ dùng để đựng sách vở, đồ dùng học tập khi đến trường. Vào đầu mỗi năm học, lãnh đạo Bộ GD-ĐT lại ra rả yêu cầu giáo viên hướng dẫn HS sử dụng sách, vở hằng ngày để các em không phải mang theo nhiều sách, vở khi tới trường. Nhưng với yêu cầu của chương trình học và nhu cầu về sinh hoạt của HS hiện nay thì chiếc cặp còn làm "nhiệm vụ" là "cái tủ" di động. Trong đó, ngoài sách vở còn có đồ ăn, nước uống, quần áo, thậm chí cả truyện, đồ chơi…

Quy định chỉ là trên giấy

Theo Văn bản số 4919/BGD ĐT-GDTH ngày 17-8-2010 của Bộ GD-ĐT quy định về sách tối thiểu đối với HS tiểu học thì khối lượng sách vở cần thiết không lớn. Ví dụ với lớp 1, các loại sách tối thiểu cần phải có là: tiếng Việt (2 tập), vở tập viết (2 tập), toán, tự nhiên và xã hội, tổng cộng là 6 quyển, trong đó, cần lưu ý là sách tiếng Việt hoặc vở tập viết HS chỉ luôn phải sử dụng 1 quyển trong học kỳ 1 hoặc học kỳ 2. Có nghĩa là trên thực tế số lượng sách, vở tối thiểu trong cặp của HS lớp 1 chỉ là 4 quyển; tương tự, với HS lớp 2, lớp 3 đều là 6 quyển. Còn với HS lớp 4 và 5, số lượng sách vở tối thiểu cần phải có là 9 quyển.

Nhiều phụ huynh chọn cho con em mình loại cặp có bánh xe để giảm bớt gánh nặng cho đôi vai các em. Ảnh: Phương An

Quy định là thế, song trên thực tế, HS đều phải dùng một số sách "ăn theo" để học được những môn học theo chương trình. Đơn cử, ở lớp 2, với môn toán thì ngoài sách toán, HS phải có thêm vở bài tập toán; với môn tiếng Việt thì ngoài sách tiếng Việt còn có thêm vở bài tập tiếng Việt (2 tập), vở tập viết, vở ô li có mẫu chữ; với môn tự nhiên và xã hội cũng có vở bài tập kèm theo… Đây đều là những loại sách in, trường yêu cầu mỗi HS cần phải có, chưa kể các loại vở chính tả, vở soạn bài, vở toán… Tất nhiên với lớp 4, lớp 5, khi các môn học nhiều hơn thì số sách "ăn theo" mà HS buộc phải có cũng tăng lên tương ứng.

Không chỉ có giáo viên yêu cầu, các bậc phụ huynh cũng thể hiện sự quan tâm đến việc học tập của con cái bằng cách "nhồi" thêm hàng loạt loại sách tham khảo khác. Hiện nay trên thị trường có tới hàng chục đầu sách cho mỗi khối lớp của nhiều nhà xuất bản phát hành. Việc xuất bản quá dễ dàng dẫn đến tình trạng sách tham khảo, sách nâng cao "trăm hoa đua nở" khiến cho các bậc phụ huynh không khỏi "hoa mắt, chóng mặt" khi chọn sách cho con, từ đó xuất hiện tâm lý mua thừa còn hơn thiếu.

"Gậy ông" đập lưng ai ?

Trước khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (ngày 1-8-2008) thì với cấp tiểu học, xấp xỉ 100% số trường trên địa bàn thành phố đã tổ chức được cho HS học 2 buổi/ngày. Hiện nay, tỷ lệ này là khoảng 90%. Như vậy, về cơ bản, hầu hết HS tiểu học được học 2 buổi/ngày. Để tránh việc HS học quá tải, vài năm gần đây, Sở GD-ĐT Hà Nội đã chỉ đạo các trường tiểu học tuyệt đối không giao bài tập về nhà cho HS tiểu học học 2 buổi/ngày. Do đó, việc luyện toán, làm bài tập tiếng Việt cũng như học các môn khác đều thực hiện ở trên lớp. Điều này dẫn đến hệ quả là, HS khi đến trường gần như phải mang theo tất cả sách vở các môn học. Đấy là chưa kể tới 2 bộ đồ dùng học toán và tiếng Việt có trọng lượng xấp xỉ 1kg, lẽ ra HS có thể để ở lớp nhưng phần lớn đều mang trong cặp vì… sợ mất.

Tuy nhiên, tăng tải cho những chiếc cặp chưa hẳn chỉ vì sách vở. Nó còn là nơi "gửi gắm" sự quan tâm, nhiều khi thái quá đến mức phô trương của nhiều cha mẹ. Sữa, nước uống, đồ ăn, quần áo, vật dụng cá nhân đều có thể tìm thấy trong chiếc cặp. Một số HS còn mang thêm truyện, đồ chơi để tranh thủ thư giãn.

Cặp của HS tiểu học đã thế, cặp của HS cấp THCS với số môn học nhiều hơn, nỗi lo lắng cao hơn, đương nhiên trọng lượng cũng tăng tương ứng. Nhiều phụ huynh than rằng, chiếc giỏ đèo hàng phía trước xe đạp vài tháng lại phải thay, vì hằng ngày con dùng để chở… cặp tới trường. Các doanh nghiệp nhanh nhạy tung ra thị trường những chiếc cặp kiểu ba lô kéo tay có gắn bánh xe để các em kéo lê vào lớp. Lại có phụ huynh phát huy sáng kiến, lắp thêm phía sau xe đạp cho con những chiếc hộp chở hàng chuyên dụng…

Nhưng mọi giải pháp tình thế đó cũng chỉ làm bớt đi phần nào gánh nặng học hành được thể hiện qua trọng lượng cái cặp. Trong khi chờ đợi và hy vọng vào những đổi mới căn bản, cần thời gian và sự đầu tư lớn cả về tâm huyết, tiền của và công sức, người ta có thể thay đổi đôi chút nỗi nhọc nhằn mỗi ngày tới trường của HS bằng việc làm nhỏ: xây dựng một thời khóa biểu hợp lý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao học sinh oằn lưng cõng cặp?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.