Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao hiệu quả thanh tra thấp?

Hà Phong| 22/08/2012 13:50

(HNM) - Ngày 22-8, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Huỳnh Phong Tranh đã trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Ba vấn đề bất cập được đặc biệt quan tâm là việc bổ nhiệm cán bộ tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines); công tác thanh tra phát hiện tham nhũng ở các tập đoàn kinh tế nhà nước và chất lượng cán bộ thanh tra.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: VGP

Sai phạm nhiều - phát hiện ít

Một trong những chủ đề "nóng" tại phiên chất vấn là kết quả thanh tra một số tập đoàn kinh tế nhà nước mà tâm điểm là Vinalines. Nhắc lại lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ tại kỳ họp Quốc hội (QH) vừa qua khi Bộ trưởng Vương Đình Huệ dẫn báo cáo của TTCP để nói rằng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư… không có trách nhiệm trong sai phạm tại Vinalines, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga đề nghị người đứng đầu ngành thanh tra giải thích căn cứ pháp lý của việc loại bỏ trách nhiệm quản lý nhà nước của hai cơ quan này. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) yêu cầu cho biết, khi Bộ Giao thông Vận tải bổ nhiệm Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines sang công tác khác trong khi việc thanh tra đang diễn ra tại tập đoàn này, tại sao TTCP lại im lặng. Phải chăng đây là biểu hiện của sự nể nang, né tránh và không làm tròn trách nhiệm tham mưu cho Thủ tướng? Thanh tra cứ thanh tra, bổ nhiệm cứ bổ nhiệm, điều tra cứ điều tra và cuối cùng là Dương Chí Dũng trốn thoát.

Lần lượt trả lời về các vấn đề trên, Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cho biết, trong thanh tra các tổng công ty, tập đoàn từ năm 2011- 2012, TTCP chỉ xem xét một số công việc cụ thể. Bởi quy mô hoạt động của các tập đoàn rất rộng. Trong khi đó, nhân lực của TTCP còn mỏng. Tại 7 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, TTCP đã kiến nghị thu hồi gần 4.000 tỷ đồng, kiến nghị loại khỏi giá trị quyết toán và xem xét, xử lý xấp xỉ 30.000 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra 3 vụ việc. Các dạng vi phạm bị phát hiện chủ yếu là sử dụng tiền cổ phần hóa phải nộp về quỹ hỗ trợ và sắp xếp doanh nghiệp để tăng vốn, mua tài sản có giá trị lớn khi chưa được Thủ tướng chấp thuận, chỉ định thầu không đúng quy định; hạch toán không đúng nguồn dẫn đến phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh và hiệu quả sai với thực tế… Đề cập về các giải pháp khắc phục, Tổng TTCP cho rằng cần rà soát lại toàn bộ khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của tập đoàn kinh tế; tạm dừng việc thành lập mới loại hình doanh nghiệp này.

Về việc kiến nghị trách nhiệm các bộ liên quan đến sai phạm ở Vinalines, trong đó có Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nội vụ để Thủ tướng xem xét, đánh giá khuyết điểm, Tổng TTCP khẳng định có đề cập, nhưng là sau khi TTCP kết luận sai phạm của Chủ tịch và Ban Giám đốc Vinalines. Tuy nhiên, việc tách trách nhiệm từng bộ, ngành khi kết luận thanh tra ở các đơn vị kinh tế trực tiếp là không thể làm được, có lý do là chưa có tiền lệ và cũng do quy mô của từng cuộc thanh tra.

Trong quá trình bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng đã không nhận được ý kiến từ Thanh tra là do cơ quan chủ quản không đề nghị, TTCP cũng không có thẩm quyền. Chưa thật sự hài lòng với phần trả lời trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh thiếu sót của cơ quan Thanh tra là đã không kiến nghị, cảnh báo, trong khi đây là trọng trách của TTCP theo Luật Thanh tra.

Bất động sản, “mảnh đất màu mỡ” của tệ tham nhũng và cũng là nội dung liên quan đến nhiều đơn khiếu nại, tố cáo... trong thời gian qua mà Thanh tra Chính phủ phải giải quyết.  Ảnh: Ngọc Thắng

Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng

Về nguyên nhân của việc khiếu nại, tố cáo thời gian qua tăng cao, Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh thẳng thắn thừa nhận là do trách nhiệm của các cấp, các ngành, trong đó có TTCP. Bên cạnh đó, khiếu nại tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai chiếm trên 70%, phần lớn là khiếu nại việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tổng TTCP cũng khẳng định: Chủ trương của Quốc hội và Chính phủ trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo kéo dài là đúng đắn. Cuối năm 2011, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, còn 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp kéo dài, qua giải quyết nhiều lần, người dân vẫn tiếp tục khiếu nại. TTCP đã ra Kế hoạch 1130 để giải quyết khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng, đồng thời phối hợp cùng các bộ, ngành chức năng thành lập 25 tổ công tác kiểm tra, rà soát tại 51 tỉnh, thành (từ tháng 5-2012 đến nay). Hiện TTCP cùng các bộ, ngành, địa phương rà soát, giải quyết được 300 vụ việc. Tổng TTCP cũng thừa nhận tiến độ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng của TTCP còn chậm và hứa sẽ tiếp tục tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo trong thời gian sớm nhất.

1% số vụ tham nhũng được chuyển cơ quan điều tra

Liên quan đến chất lượng công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH Lê Như Tiến hỏi: Tại sao trong số các vụ việc vi phạm được thanh tra phát hiện chỉ có chưa đến 1% chuyển cơ quan điều tra, còn lại đều xử lý hành chính. Trong khi đó, những vi phạm này có liên quan đến hàng nghìn héc ta đất, hàng chục nghìn tỷ đồng. Vậy, có hay không xu hướng hành chính hóa án hình sự? Ông Lê Như Tiến cũng cho biết, ngay trong ngày chất vấn Tổng TTCP, cử tri đã liên tục điện thoại cho ông, nhờ nhắn với Tổng TTCP, các địa phương, doanh nghiệp rất lo lắng mỗi khi đoàn TTCP về "thăm", vì phải lo làm đẹp lòng thanh tra viên, "chăm sóc" sao cho chu đáo... "Vì sự đón tiếp này, các thanh tra viên có phải "nắn dòng", bẻ ghi, chuyển hướng kết luận thanh tra? Đây có phải nguyên nhân của hàng trăm cuộc thanh tra mà không phát hiện được gì hay không" - ông Lê Như Tiến chất vấn. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Đình Quyền cũng có quan điểm tương tự:

Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh thừa nhận, đây là điểm yếu của công tác thanh tra. Từ năm 2007 đến nay, TTCP đã phải xử lý 16 cán bộ. Trong đó, chỉ riêng năm 2012 đã phát hiện tới 6 cán bộ vi phạm và 1 người đã bị cho thôi việc… Về số vụ việc tham nhũng chuyển cơ quan điều tra ít, có nguyên nhân chủ quan là năng lực phát hiện của cơ quan thanh tra còn hạn chế, quá trình thanh tra chưa phối hợp chặt chẽ với cơ quan tố tụng. Tuy nhiên, ra kết luận thanh tra là việc làm cần thận trọng và phải tuân thủ quy trình lấy ý kiến trao đổi của các cơ quan liên quan, thông báo, tạo sự đồng thuận của đối tượng được thanh tra… Tổng TTCP cũng khẳng định, thời gian tới sẽ đặc biệt chú trọng công tác cán bộ, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành.

Ngay sau khi kết thúc chất vấn Tổng TTCP, UBTVQH đã bế mạc phiên họp thứ 10.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao hiệu quả thanh tra thấp?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.