(HNMO) - Thời điểm này, chênh lệch giữa giá kim loại quý trong nước và thế giới vẫn ở cao, gần 5 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân do đâu?
Ảnh minh họa |
Ngày 28-3, NHNN bắt đầu tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng. Từ đó đến nay, đã có 14 phiên đấu thầu được tổ chức với tổng cộng 392.900 lượng vàng (tương đương 15,11 tấn) trúng thầu trong tổng số 432.000 lượng được đưa ra đấu thầu.
Diễn biến 14 phiên cho thấy, đấu thầu vàng được thực hiện theo đúng quy trình và các qui định của pháp luật, tuân thủ Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. NHNN đã tham gia thị trường với vai trò là người mua, bán cuối cùng trên thị trường, tăng cung vàng miếng ra thị trường, tác động tới việc giảm mất cân đối cung-cầu vàng. Trong các phiên đấu thầu, lực mua chính xuất phát từ các ngân hàng thương mại với mục tiêu là để bù đắp lại số vàng huy động của dân mà trước đây họ đã bán ra để lấy tiền đồng, nay phải mua để trả lại cho người gửi vàng trước ngày 30-6.
Điểm tích cực qua các phiên đấu thầu là thị trường vàng trong nước đang đi vào ổn định, không còn xuất hiện các cơn “sóng vàng” và đẩy lùi tình trạng liên kết để làm giá, tỉ giá được kiểm soát và tiếp tục ổn định, tạo điều kiện thuận lợi để thị trường vàng đi vào khuôn khổ. Một trong những kết quả nổi bật đạt được là NHNN đã bảo vệ được thị trường ngoại hối không còn bị ảnh hưởng bởi các cơn “sóng vàng” như trước đây. Trước đây, mỗi năm lượng vàng nhập vào Việt Nam khoảng 100 tấn sẽ cần một lượng ngoại tệ khoảng 4,4 tỷ USD nên đã tác động rất mạnh đến việc tăng tỷ giá giữa VND và USD, gây mất ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, tưởng chừng như sau khi các phiên đấu thầu được tổ chức thì chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới thu hẹp nhưng trên thực tế lại ngược lại. NHNN càng tổ chức đấu thầu chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới càng nới rộng.
Cụ thể, trước phiên đấu thầu đầu tiên, chênh lệch giá chỉ là 2,8 triệu đồng/lượng thì đến ngày đấu thầu mức chênh lệch này là 3,1 triệu đồng/lượng. Sau đó mức chênh lệch càng gia tăng, đặc biệt vào ngày 18-4, sau 9 phiên đấu thầu, vàng trong nước đắt hơn thế giới tới 7 triệu đồng/lượng. Trong những ngày gần đây, mức chênh lệch đã có phần co lại nhưng vẫn rộng, hôm nay là gần 5 triệu (4,7 triệu đồng/lượng).
Sở dĩ giá vàng trong nước và thế giới chưa thể về sát là bởi NHNN tổ chức các phiên đấu thấu đã tác động rất lớn đến thị trường, đặc biệt là tâm lý của người dân, với tác động từ hai phía là nhu cầu tích lũy của dân cư và nhu cầu tất toán trạng thái vàng của ngân hàng thương mại nhằm bù đắp lượng vàng đang thiếu khoảng 20 tấn để chi trả người gửi vàng.
Ngoài ra, việc giá vàng thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 15-4 vừa qua xuống 1.321,95 USD/ounce đã làm tăng thêm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, mức chênh lệch này cũng tăng thêm do tâm lý của người dân có vàng lại không muốn bán ra, còn người có nhu cầu thì muốn tranh thủ lúc giá xuống để mua vào.
Vì thế, theo đánh giá, về ngắn hạn, giá vàng trong nước và thế giới còn chênh lệnh do cung-cầu vẫn chưa cân bằng khi mà ngân hàng thương mại vẫn đang cần vàng phục vụ tất toán trạng thái vào ngày 30-6.
Tuy nhiên, về trung và dài hạn, khi giá vàng thế giới ổn định và NHNN tiếp tục thực hiện các phiên đấu thầu vàng nhằm tăng nguồn cung cho thị trường, sau thời điểm các ngân hàng thương mại thực hiện xong việc tất toán trạng thái vàng theo yêu cầu của NHNN thì thị trường vàng được dự báo sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn, mức chênh lệch giữa giá sẽ giảm.
Nhiều người mong chờ thị trường diễn biến như dự báo bởi một lãnh đạo NHNN vừa cho biết, kể cả sau 30-6, nếu thị trường còn nhu cầu, NHNN tiếp tục bán vàng ra cho đến khi cung đã đáp ứng được cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.