Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao doanh nghiệp kêu khổ, tham tán kêu khó?

Đặng Loan| 25/02/2016 07:07

(HNM) - Vào dịp đầu năm, các tham tán thương mại Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới lại về nước gặp gỡ các lãnh đạo của địa phương, bộ, ngành và doanh nghiệp (DN) để chia sẻ các thông tin về thị trường xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại,… từ đó tìm ra những giải pháp thiết thực thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.

Vì sao doanh nghiệp kêu khổ, tham tán kêu khó?


Mục đích của cuộc gặp là vậy, nhưng đi dự hội nghị tham tán - doanh nghiệp, năm nào tôi cũng nghe DN "kêu" là thiếu thông tin thị trường xuất khẩu, kể cả năm nay khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng. Tại Hội nghị tham tán 2016 vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, rất nhiều DN than thở thiếu thông tin thị trường nước ngoài, và thiếu rất nhiều: Giá cả, nhu cầu, văn hóa, tập quán, tiêu dùng...

DN kêu khổ, tham tán kêu khó! Bởi tham tán không thể hỗ trợ cho hầu hết công việc của DN. Việc thì quá nhiều trong khi mỗi cơ quan thương vụ chỉ có 1 - 2 tham tán. Mà khổ nhất là có rất nhiều câu hỏi gửi đến tham tán không đi vào chuyện làm ăn kinh doanh hoặc vượt khỏi… tầm hiểu biết của tham tán! Thương vụ ở Dubai cho biết một năm trả lời hơn 3.300 email, trung bình mỗi ngày có 10 email. Số lượng câu hỏi này thật sự là rất ít so với lượt hỏi báo giá, đặt hàng của DN thương mại, nhưng vấn đề ở chỗ - như Thương vụ này phản ánh thì DN hỏi quá "cao siêu", không biết phải trả lời sao nên nhiều khi cứ phải email lại cho DN để hỏi DN cần những nội dung gì, xin nói rõ nhu cầu kinh doanh của mình để Thương vụ có câu trả lời thích hợp!

Tham tán ở thị trường Hoa Kỳ "kêu khổ" khi hàng loạt DN gửi email hỏi về xuất khẩu các loại nông sản như chanh tươi, chanh leo... bằng cách nào, chứng từ ra sao, có cần kiểm dịch không, bán giá bao nhiêu...? Kêu khổ là bởi vì Hoa Kỳ hiện chỉ cho nhập bốn loại trái cây từ Việt Nam là thanh long, chôm chôm, nhãn, vải và hiện hai bên đang đàm phán để sắp đưa thêm xoài và vú sữa vào thị trường này. Mỗi mặt hàng hoa quả tươi nhập vào Hoa Kỳ trung bình có quá trình đàm phán 5 - 7 năm, vậy mà DN ta cứ email hỏi về thủ tục của đủ loại trái cây!

Nhiều câu hỏi cho thấy nhiều DN trong nước quá lệ thuộc vào các thông tin từ tham tán, thậm chí có tâm lý ỷ lại. Và một thực tế, có lẽ chỉ các DN nhỏ và vừa có tâm lý "xin cung cấp thông tin", còn DN thường xuyên xuất khẩu, DN lớn như các Hiệp hội ngành nghề, và ngay cả cơ quan quản lý, đều biết từ lâu rằng phải mua thông tin, không có gì miễn phí. Thậm chí chính các Hiệp hội bỏ tiền ra mua thông tin đã bán lại cho các hội viên của mình, mà các trang tin chuyên ngành về thủy sản, nông sản nước ngoài cũng bán thông tin cả, không ai miễn phí những thông tin mà họ đánh giá là có giá trị, doanh nghiệp khác đang cần và đang tìm kiếm.

Trách nhiệm và vai trò của các tham tán thương mại là giúp DN hiểu rõ thị trường đó có phù hợp với sản phẩm hay không? Còn buôn bán, thanh toán là chuyện của DN nên họ phải chủ động hơn nữa trong tìm kiếm thông tin, thị trường, đối tác. Thêm nữa, Bộ Công thương cũng nên khẳng định tham tán thương mại ở một tầm khác. Tham tán thương mại là cánh tay nối dài của Bộ Công thương, của DN ở nước ngoài, sẽ làm những việc mà DN không làm được. Lực của tham tán thương mại phải tập trung vào việc dự báo - cảnh báo thị trường, dự báo chính sách và các rào cản thương mại chứ không phải để giải quyết những chuyện vụn vặt của DN.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao doanh nghiệp kêu khổ, tham tán kêu khó?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.