Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao doanh nghiệp chưa thực hiện?

Bài, ảnh: Thùy Ngân| 18/06/2012 06:24

(HNM) - Mặc dù Nghị định số 124/2011/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 28-12-2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11-7-2007 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch đã có hiệu lực từ ngày 20-2-2012, nhưng đã qua 4 tháng, người dân chưa được hưởng lợi từ thay đổi này…

Đổi thay lớn nhất trong Nghị định số 124/2011/NĐ-CP là việc hủy bỏ quy định tính khối lượng nước sử dụng tối thiểu. Theo đó, mấy năm trước, khi áp dụng Nghị định số 117/2007/NĐ-CP cho dù khách hàng không sử dụng hoặc sử dụng nước ít hơn 4m3/hộ gia đình/tháng thì hộ gia đình có nghĩa vụ thanh toán và đơn vị cấp nước được phép thu tiền nước theo khối lượng nước sử dụng tối thiểu quy định là 4m3/hộ/tháng. Với đơn giá 4.000 đồng/m3 (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) thì mức thấp nhất mà người dân dùng nước phải trả là 16.000 đồng/tháng.

Hóa đơn tiền nước vẫn thu theo Nghị định 117/CP.

Đông đảo người dân không đồng tình với cách tính khối lượng nước sử dụng tối thiểu này. Có những bạn đọc lớn tuổi đã tìm đến các cơ quan ngôn luận, trong đó có Báo Hànộimới, phản ánh sự bất hợp lý về cách thức thu tiền này. Chẳng hạn như có cụ già ở trong căn nhà nhỏ liền kề con cái nên mọi sinh hoạt đều diễn ra ở bên nhà con, cụ chỉ về nhà mình để ngủ, đồng nghĩa với việc không hề sử dụng chút nước sạch nào tại nhà mình nhưng cũng phải trả 16.000 đồng/tháng. Hoặc có những cụ già hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, sống bằng số tiền trợ cấp ít ỏi nên phải chắt chiu tiết kiệm tối đa, chỉ sử dụng 1-2m3/tháng nhưng vẫn phải trả tiền cho cả 4m3 theo quy định.

Tuy nhiên, vì Nghị định đã có hiệu lực thi hành, cộng thêm ngành nước áp dụng nhiều biện pháp vận động, tuyên truyền nên việc thu tiền nước theo khối lượng sử dụng tối thiểu vẫn được tiến hành.

Cho đến đầu năm nay, khi Nghị định 124/2012/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực vào tháng 2-2012 với việc hủy bỏ quy định về khối lượng nước sử dụng tối thiểu tại Nghị định 117/2007/NĐ-CP, người dân rất phấn khởi. Có nghĩa là, người dân có quyền sử dụng nước và trả tiền theo thực tế mình dùng, dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu, không dùng không phải trả tiền.

Tuy nhiên, cho đến kỳ thu tiền nước tháng 5-2012, tất cả các hộ dân quận Thanh Xuân dùng nước của Công ty CP Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (VIWACO) vẫn nhận được hóa đơn tính tiền theo Nghị định 117/2007/NĐ-CP. Khi người dân thắc mắc thì nhân viên thu ngân trả lời, hóa đơn thế nào thu tiền thế ấy, nếu không đóng tiền thì sẽ báo công ty cắt nước (!).

Cực chẳng đã, một số hộ dân đã đến văn phòng Công ty Viwaco tại KĐT Trung Hòa - Nhân Chính hỏi nguồn cơn thì thật lạ, ngay cả cán bộ phụ trách kinh doanh cũng chưa rõ thông tin, cần phải kiểm tra lại. Cuối cùng, ông Nguyễn Trung Hiệp - Phụ trách kinh doanh Công ty Viwaco cho biết, Nghị định có hiệu lực còn cần các văn bản hướng dẫn cụ thể của các sở ban ngành chủ quản. Tại Hà Nội, giá nước sạch sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của UBND thành phố. Khi thành phố có quyết định chính thức, giá nước sạch và cách thức thu mới sẽ được tiến hành.

Tham khảo thêm thông tin tại Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội cho thấy, đơn vị có thị phần cấp nước sạch lớn nhất Hà Nội này vẫn đang áp dụng cách thu tiền theo khối lượng nước sử dụng tối thiểu tại Nghị định 117/2007/NĐ-CP. Theo đại diện Phòng thanh tra Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội thì ngoài Nghị định 124, nêu "đối với các đơn vị cấp nước đang thu tiền nước theo khối lượng sử dụng tối thiểu được tiếp tục thực hiện đến khi điều chỉnh giá nước lần kế tiếp", đến nay công ty cũng chưa nhận được hướng dẫn cách thức thu hay điều chỉnh mới.

Như vậy, trong khi chờ đợi những hướng dẫn cụ thể của sở, ban ngành có trách nhiệm về điều chỉnh giá nước thì người dân vẫn phải trả tiền nước mức thấp nhất là 16.000đ/hộ (4m3) cho dù họ không sử dụng hoặc sử dụng số lượng ít hơn. Nhiều khách hàng có ý kiến, tuy các đơn vị cung cấp nước sạch không sai khi chưa kịp thời triển khai một nghị định đã có hiệu lực thi hành nhưng cách xử lý thông tin chậm trễ, có phần thờ ơ cho thấy rằng, các đơn vị này không mấy "mặn mà" với những quy định có lợi cho người tiêu dùng song lại ảnh hưởng đến nguồn thu của mình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao doanh nghiệp chưa thực hiện?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.