Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao đô thị thiếu màu xanh?

Lâm Vũ| 14/05/2011 06:53

(HNM) - Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay việc trồng cây xanh ở đô thị nước ta còn rất ít và chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ cũng như cân bằng hệ sinh thái. Tại các vùng đô thị hóa nhanh, chưa có những vành đai xanh để bảo vệ môi trường.

Không chỉ chuyện đầu tư

TS. Đào Hoàng Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu môi trường và Phát triển bền vững (Viện Khoa học xã hội Việt Nam), Chủ nhiệm đề tài "Những vấn đề cơ bản về môi trường đô thị nhằm phát triển bền vững ở Việt Nam" đưa ra con số thống kê, đất để trồng cây xanh trong các đô thị mới chỉ đạt 0,5m2/người. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chỉ tiêu này cũng không quá 2m2/người, chỉ mới bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố hiện đại trên thế giới (khoảng 20m2 - 25m2 cây xanh/người) và bằng 2/7 tiêu chuẩn do Bộ Xây dựng ban hành năm 2008. Hệ thống cây xanh mới hình thành và tập trung tại các đô thị lớn và trung bình, tại các đô thị nhỏ, cây xanh chưa thành hệ thống, chiếm diện tích không đáng kể. So với các tiêu chuẩn và quy chuẩn thì tỷ lệ diện tích đất dành cho cây xanh còn rất thấp so với yêu cầu.

Thủ đô Hà Nội cần có thêm tuyến phố nhiều cây xanh. Ảnh: Internet

Có nhiều lý do khiến các đô thị Việt Nam ít xanh, nguyên nhân cơ bản là nguồn lực phát triển cây xanh đô thị chủ yếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước và thiếu cơ chế, chính sách để khuyến khích mọi thành phần kinh tế và nhân dân tham gia. Trừ một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, còn lại các đô thị khác, chi phí đầu tư cho cây xanh hầu như không đáng kể hoặc rất thấp.

Theo TS. Nguyễn Hồng Tiến - Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), việc quản lý cây xanh hiện vẫn còn lỏng lẻo, tình trạng chặt phá cây, đặc biệt cây quý hiếm nằm trong nhóm phải bảo tồn vẫn diễn ra. Nhiều đô thị cải tạo, nâng cấp và mở rộng đường phố nên chặt hạ hàng loạt cây xanh. Bên cạnh đó, việc trồng cây xanh ở những nơi công cộng vẫn còn mang tính tự phát, manh mún, thiếu quy hoạch về lựa chọn, bố trí loại cây trồng phù hợp ở từng công trình, từng địa phương. Dư luận những năm gần đây đã đề cập đến hiện tượng có nhiều loại cây xanh được đưa vào trồng trên đường phố đô thị không đem lại hiệu quả, thậm chí còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Điển hình như cây hoa sữa được trồng quá nhiều trên một số đường phố đô thị miền Trung, mùi hương nồng vào cuối mùa hè đã ảnh hưởng đến sức khỏe cư dân. Tại TP Huế, cây bàng được người dân tự trồng rất nhiều trên đường phố đã làm mất đi bản sắc riêng của đô thị này.

Phủ xanh đô thị bằng cách nào?

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa cũng diễn ra nhanh chóng, bộ mặt đô thị được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, vấn đề cây xanh đô thị vẫn bị xem nhẹ dù không ai phủ nhận vai trò rất quan trọng của nó đối với đời sống con người và môi trường đô thị. Vậy làm thế nào để thêm những mảng xanh cho các đô thị ? Đây cũng là một câu hỏi được các nhà khoa học tham gia đề tài "Những vấn đề cơ bản về môi trường đô thị nhằm phát triển bền vững ở Việt Nam" đi tìm câu trả lời.

Theo TS. Đào Hoàng Tuấn, công viên, cây xanh đô thị là các công trình phục vụ lợi ích công cộng, nên ngân sách nhà nước cần phải đầu tư xây dựng và quản lý. Tuy nhiên, chỉ dựa vào nguồn ngân sách hằng năm thì rất khó đạt kết quả mong muốn. Ví dụ như TP Hồ Chí Minh, nếu thực hiện quy hoạch cây xanh đô thị đến năm 2020 với chỉ tiêu khiêm tốn 10-15m2/người (gấp 10 lần hiện nay) thì sẽ phải đầu tư khoảng 80 nghìn tỷ đồng. Bởi vậy, để phát triển công viên, cây xanh đô thị ngoài nguồn vốn ngân sách, cần huy động nguồn lực trong nhân dân và các thành phần kinh tế khác trong và ngoài nước. Để làm được điều đó, phải có cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút vốn đầu tư; công khai quy hoạch và lên danh sách các danh mục kêu gọi đầu tư; xúc tiến đầu tư có hiệu quả; lồng ghép dự án công viên, cây xanh đô thị với dự án sinh lời khác để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Để tăng cường quản lý cây xanh đô thị từ khâu trồng, duy trì và bảo vệ cây xanh, theo các nhà khoa học, cần phải có quy định cụ thể về việc cấp phép đối với chặt hạ, dịch chuyển cây xanh công cộng; phân công rõ chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó chính quyền đô thị các cấp có trách nhiệm và vai trò quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển công viên, cây xanh đô thị trên địa bàn. Một biện pháp cũng hết sức quan trọng là khuyến khích các hộ gia đình tự trồng cây xanh, chăm sóc, bảo vệ và trồng cây xanh trước mặt nhà, trên các tuyến phố theo quy hoạch và theo quy định về chủng loại cây được phê duyệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao đô thị thiếu màu xanh?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.