(HNM) - Dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể (KTT) Nguyễn Công Trứ là dự án cải tạo chung cư cũ đầu tiên có quy mô một KTT. Dự án đã được thực hiện từ năm 2002, tuy nhiên đến nay vẫn gần như
Dự án đã được thực hiện từ năm 2002, tuy nhiên đến nay vẫn gần như "dậm chân tại chỗ" bởi chính quyền địa phương lúng túng trong việc tiến hành các thủ tục cưỡng chế giải phóng mặt bằng (GPMB); một số hộ dân không chịu di dời thì tiếp tục đưa ra kiến nghị, yêu sách thiếu thực tế. Trong khi đó, các hộ đã di dời đến nơi tạm cư hoang mang, sốt ruột khi thời gian cứ trôi qua mà dự án vẫn chưa thể khởi công.
Khu tập thể Nguyễn Công Trứ đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Minh Nguyễn
Theo báo cáo của UBND quận Hai Bà Trưng, trong tổng số 173 hộ nhà chung cư cũ A1-A2 phải di chuyển, đã có 136 hộ nhận tiền hỗ trợ và bàn giao căn hộ. 24/26 hộ sống xung quanh hai nhà này cũng đã bàn giao nhà đến nơi tạm cư. Nguyên nhân của việc chưa hoàn thành GPMB là do có hộ kiến nghị cam kết thỏa thuận tái định cư phải có bảo lãnh của ngân hàng; có hộ yêu cầu chủ đầu tư mua căn hộ cũ với giá 4,5-5 tỷ đồng; có hộ đề nghị bố trí chợ tạm trong thời gian thi công để kinh doanh; có trường hợp đòi đất cơi nới gắn với nhà chung cư phải được đền bù theo giá thị trường và bố trí nhà tái định cư quy đổi theo hệ số 1:1… Thậm chí, có hộ do nội bộ gia đình không thống nhất nên chưa bàn giao nhà cho dự án.
Theo UBND quận Hai Bà Trưng, việc ra quyết định thu hồi đất, thu hồi căn hộ thuộc nhà chung cư A1-A2 Nguyễn Công Trứ rất khó khăn vì chưa có tiền lệ. Chính sách cải tạo chung cư cũ là tái định cư tại chỗ trên cơ sở đồng thuận chứ không bồi thường, hỗ trợ đầu đi, đầu đến theo chính sách GPMB. Trong 173 hộ nhà A1, A2 có nhiều dạng sở hữu, sử dụng khác nhau: có hộ thuộc sở hữu nhà nước, có hộ đã mua theo NĐ61/CP và được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà; ngoài diện tích sở hữu riêng, sở hữu chung, nhiều hộ còn sử dụng đất lưu không… Vì thế việc ra quyết định thu hồi đất rất phức tạp, liên quan đến việc chấm dứt hiệu lực của giấy chứng nhận quyền sở hữu nên cần có sự hướng dẫn của các ngành liên quan. Tương tự, về trình tự, thủ tục cưỡng chế, UBND quận cho rằng cần phải có trình tự, thủ tục cụ thể trình UBND TP quyết định để bảo đảm tính pháp lý khi thực hiện.
Mặc dù trong văn bản hướng dẫn, Bộ Xây dựng nêu rõ, theo Luật Nhà ở, UBND cấp tỉnh ra quyết định cưỡng chế phá dỡ nhà chung cư cao tầng và nhà thuộc sở hữu nhà nước. UBND cấp huyện ra quyết định cưỡng chế, phá dỡ đối với nhà ở không thuộc quy định trên. Theo tiêu chuẩn nhà ở, nhà cao tầng là nhà từ 9 đến 40 tầng, trong khi nhà A1, A2 Nguyễn Công Trứ là nhà chung cư thấp tầng, TP Hà Nội đã có quyết định thu hồi đất, nên thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thuộc UBND quận Hai Bà Trưng. Song, UBND quận Hai Bà Trưng vẫn chưa "thông" khi cho rằng văn bản của Bộ Xây dựng hay UBND TP chỉ mang tính chất hướng dẫn, căn cứ để ra quyết định phải là Luật Nhà ở và Nghị định 71/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở.
Sau nhiều văn bản "đi lại", cuối tháng 4-2012, UBND TP Hà Nội đã "chốt" vấn đề bằng Thông báo số 89/TB-UBND, thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh tại cuộc họp giải quyết vướng mắc trong GPMB dự án Nguyễn Công Trứ. Theo đó, căn cứ văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng thực hiện Luật Nhà ở; Quyết định 108/2009/QĐ-UBND của UBND TP, thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế dự án Nguyễn Công Trứ thuộc UBND quận Hai Bà Trưng. Về quyết định thu hồi đất đối với từng hộ gia đình, cá nhân, UBND quận Hai Bà Trưng thực hiện đúng quy định tại khoản 2 Điều 2 Quyết định số 1109/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội. Về trình tự, thủ tục cưỡng chế, UBND quận Hai Bà Trưng căn cứ hướng dẫn của Bộ Xây dựng, Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND và Công văn số 1279/UBND-TNMT của UBND TP để tổ chức thực hiện. Ngay sau thông báo của UBND TP, UBND quận Hai Bà Trưng đã nhanh chóng có văn bản giao các bộ phận dự thảo quyết định thu hồi đất, thu hồi căn hộ; dự thảo quyết định cưỡng chế, trình tự thủ tục thực hiện cưỡng chế. Tuy nhiên, văn bản của UBND quận Hai Bà Trưng không ấn định thời hạn cụ thể hoàn thành dự thảo quyết định đối với các bộ phận liên quan.
Trao đổi với PV Báo Hànội mới, đại diện chủ đầu tư - Công ty CP Đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội - cho biết, dự án xây dựng lại nhà A1, A2 Nguyễn Công Trứ là dự án thí điểm, chưa có tiền lệ nên gặp nhiều vướng mắc trong thủ tục, quy hoạch. Tòa nhà mới sau khi hoàn thành chỉ đủ dành tái định cư tại chỗ. Tính toàn dự án, sau khi quy hoạch bổ sung hạ tầng kỹ thuật, xã hội, chủ đầu tư mất cân đối hàng ngàn tỷ đồng. Dự án chậm ngày nào, chi phí tăng thêm ngày đó. Riêng việc giải quyết tạm cư cho các hộ dân nhà A1-A2, công ty đã thành lập bộ phận vận hành, quản lý nhà chung cư tại dự án khu nhà ở Hoàng Văn Thụ và dự án khu nhà ở Vĩnh Hoàng, đồng thời ứng vốn bù đắp chi phí liên quan đến quá trình vận hành, quản lý, bảo trì qũy nhà tạm cư. Để giảm bớt chi phí dự án, từ năm 2008, công ty đã có văn bản xin được miễn tiền thuê quỹ nhà tạm cư và UBND TP đã có văn bản chấp thuận giao các sở Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường xem xét. Vì vậy, thông tin công ty nợ tiền thuê nhà tạm cư của TP cho dự án Nguyễn Công Trứ là chưa chính xác. Tháng 3-2012, Chi cục Quản lý công sản - Sở Tài chính Hà Nội đã có văn bản đề nghị công ty gửi hồ sơ để có cơ sở xem xét, xác định các khoản chi phí và miễn tiền thuê nhà tạm cư này. Một số người đã vin vào thông tin công ty nợ tiền nhà tạm cư để nghi ngờ khả năng triển khai dự án của công ty, từ đó lấy cớ cản trở việc GPMB - vị đại diện nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.