(HNM) - Theo thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Bộ Y tế, năm 2011 có trên 141 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bị phát hiện có vi phạm quy định về ATVSTP, chiếm tỷ lệ 22,26% số cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm được kiểm tra.
Đáng lưu ý là 75,35% số cơ sở vi phạm không bị xử phạt. ATVSTP đang là vấn đề nan giải, sẽ càng nan giải hơn nếu tình hình vi phạm và xử lý vi phạm "giẫm chân tại chỗ" như hiện nay.
Đồ ăn được chế biến và bán ngay tại vỉa hè, rất mất vệ sinh. Ảnh: Như Ý |
Chưa xử nghiêm sai phạm
Theo số liệu tại hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia về ATVSTP vừa được Bộ Y tế tổ chức tại Ninh Bình, trong năm 2011 cả nước có trên 634 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra, đã phát hiện trên 141 nghìn cơ sở có vi phạm về ATVSTP, chiếm 22,26%. Cơ quan chức năng các cấp đã xử lý hơn 34.800 cơ sở, với các hình thức cảnh cáo hơn 24 nghìn cơ sở, phạt tiền trên 10 nghìn cơ sở với tổng số tiền phạt là 14 tỷ đồng. Phó Cục trưởng Cục ATVSTP Nguyễn Thị Khánh Trâm đánh giá: "Đây là số tiền phạt rất đáng kể, bên cạnh 315 cơ sở bị đình chỉ hoạt động, 325 sản phẩm đình chỉ lưu hành, nhưng số cơ sở vi phạm bị xử lý chưa thấm tháp gì so với tổng số cơ sở có vi phạm".
Theo báo cáo của Cục ATVSTP, các vi phạm chủ yếu là sản xuất thực phẩm ở môi trường vệ sinh không bảo đảm, điều kiện vệ sinh cơ sở không đạt yêu cầu, ghi nhãn sản phẩm không giống hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm… Cá biệt như tại Bắc Kạn, 100% cơ sở được kiểm tra đều có sai phạm ở khâu ghi nhãn và công bố tiêu chuẩn. Theo Cục ATVSTP, ngoài báo cáo nêu trên, thị trường vẫn còn nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc, sử dụng phụ gia ngoài danh mục cho phép như rhodamin trong ớt bột, tương ớt, gia vị; phẩm màu ngoài danh mục trong hạt dưa, hàn the trong giò, chả, mì sợi; chất DEHP trong nước giải khát, rau câu; formol trong bánh phở; methanol trong rượu. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng thực phẩm quá hạn hoặc bày bán thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP… diễn ra ở hầu hết các địa phương.
Với tình trạng vi phạm phổ biến như trên, rõ ràng việc xử lý vi phạm như vừa qua là không đủ mạnh, dẫn tới tình trạng "nhờn thuốc". Bằng chứng là tháng 12-2011 vừa qua, một cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng vi phạm quy định trong quảng cáo sản phẩm đã không chấp hành yêu cầu của Cục ATVSTP là nộp trả giấy tiếp nhận đăng ký quảng cáo sau khi doanh nghiệp có quá nhiều sai phạm về quảng cáo. Cơ quan chức năng thậm chí đã dự định thu hồi giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm của cơ sở này, nhưng rồi lại "du di" cho qua. Thậm chí, việc kiểm tra vào năm 2011 đã phát hiện hiện tượng dùng chất cấm hoặc tân dược ngụy tạo vào thực phẩm, gây hại cho người tiêu dùng.
ATTP: Đã muộn để dùng biện pháp mạnh
Có thông tin về một gia đình ở TP Hồ Chí Minh mua táo và lê về bày bàn thờ dịp Tết vừa qua, rồi để quên, qua gần 2 tháng mà số quả này vẫn tươi. Chuyện ấy đang gây xôn xao trên khắp các trang mạng xã hội. Theo nhiều bà nội trợ, không chỉ táo, lê, mà giờ họ sợ cả nho (sợ có thuốc trừ sâu), mít, chuối, đu đủ (sợ có dùng thuốc kích chín), chỉ dám ăn những loại quả có vỏ dày, như chôm chôm. Bên cạnh đó, tình trạng liên tục phát hiện thức ăn chăn nuôi có trộn chất tạo nạc, thậm chí cả chất làm tươi thịt bày bán công khai ngoài thị trường đang khiến người tiêu dùng rất lo ngại.
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia về ATVSTP cho hay, bên cạnh sự bất lực của cơ quan chức năng ở nhiều nơi, tình trạng khá hỗn loạn về vệ sinh thực phẩm hiện nay còn là kết quả của sự thiếu hợp tác từ phía người tiêu dùng. Thông thường, người tiêu dùng chỉ sợ và tránh loại thực phẩm nếu hậu quả xấu xảy ra tức thì, còn lâu lâu mới gây hậu quả thì dù sợ cũng vẫn dùng, vẫn mua, từ đó tiếp tay cho những đối tượng kinh doanh thiếu lương tâm. Vì vậy, người tiêu dùng thông thái nên lựa chọn hàng hóa có nhãn mác, nguồn gốc, có địa chỉ cơ sở sản xuất rõ ràng; tuyệt đối không mua hàng trôi nổi, không có ngày sản xuất, hạn sử dụng.
Từng có hiện tượng người trồng trọt trồng riêng rau cho nhà dùng, giờ lại có hiện tượng người nuôi lợn tẩy chay thịt lợn do chính mình nuôi, cho thấy có tình trạng người nuôi trồng sản phẩm vì lợi ích trước mắt mà quên đi vấn đề sức khỏe người dùng. Do đó, trong năm 2012, Cục ATVSTP sẽ mở rộng địa bàn lấy mẫu thịt chế biến, nhằm xác định xem có hóa chất tạo nạc trong thịt hay không; chủ động giám sát thực phẩm trên thị trường, thông tin minh bạch cho người dân để họ có thể dùng "quyền" của người tiêu dùng tẩy chay các sản phẩm độc hại.
Năm 2011, cả nước ghi nhận 148 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.700 người mắc, 3.663 người đi viện, 27 người chết. Ngộ độc thực phẩm xảy ra chủ yếu tại gia đình, với 54,1% số vụ, bếp ăn tập thể 19,6% số vụ. So với 2010, số vụ ngộ độc thực phẩm đã giảm, tuy nhiên ngộ độc tại bếp ăn tập thể vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng cả số mắc, số vụ. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.