(HNM) - Đình Đại Mỗ (xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm) được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH, TT và DL) xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia từ năm 1993...
Công trình của gia đình bà Hiền chưa được xử lý. |
Ngày 30-8-2013, dẫn chúng tôi đến "mục sở thị" khu vực có công trình xâm hại di tích, một người dân địa phương cho biết: Đầu năm 2008, ông Đinh Quang Vinh (sống tại xóm Đình, xã Đại Mỗ) xây dựng nhà ngay trên thửa đất thuộc Khu vực bảo vệ I (vùng bảo vệ đặc biệt, cấm xâm phạm) của di tích. Đáng nói là tại thời điểm đó đã có nhiều đơn tố cáo việc xây dựng không phép, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích, nhưng ngôi nhà của ông Vinh vẫn xây cao đến tầng 2. Và từ đó đến nay, mặc dù người dân liên tiếp gửi đơn đến các cơ quan chức năng thế nhưng công trình vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại...
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, năm 1988, do không có kinh phí xây dựng hậu cung của đình Đại Mỗ nên các cụ cao tuổi trong thôn đã họp và nhất trí "bán" lô đất khoảng 254m2 ở phía sau đình cho ông Ngô Như Phú. Việc mua bán được Phó Chủ tịch UBND xã lúc đó là ông Đỗ Tiến Sơn đồng ý. Năm 2002, ông Phú chuyển nhượng diện tích đã "mua" cho ông Đinh Quang Vinh và lại được ông Đỗ Tiến Sơn (lúc này là Chủ tịch UBND xã Đại Mỗ) ký xác nhận trên "Giấy chuyển quyền sử dụng đất", thậm chí còn xác nhận "đất có nguồn gốc là đất giãn dân"!(?). Việc này khiến người dân địa phương không khỏi bức xúc, vì tính đến thời điểm ông Sơn ký xác nhận, vùng bảo vệ di tích đã được xác lập trước đó 9 năm. Sự việc càng trở nên phức tạp khi ông Vinh xây nhà tại thửa đất nói trên (năm 2008), các hộ dân đã phản đối quyết liệt vì công trình xâm phạm khu vực bảo vệ I của di tích. Mặc dù UBND xã lập biên bản, yêu cầu ngừng xây dựng, nhưng gia chủ vẫn "nâng" độ cao của ngôi nhà đến tầng thứ 2. "Không chỉ giải quyết không triệt để mà UBND xã Đại Mỗ còn "nhân nhượng" qua việc yêu cầu gia đình ông Vinh phải hoàn thiện giấy phép xây dựng và không được xây cao hơn đình" - một người dân bức xúc cho hay.
Ngôi nhà kiên cố của gia đình ông Vinh nằm sát hậu cung đình Đại Mỗ. |
Lý giải vụ việc, ông Trần Gia Dũng, cán bộ địa chính xã Đại Mỗ cho biết: Năm 1992, cán bộ được giao việc khoanh vùng bảo vệ di tích đã "khoanh nhầm" vào đất của một số hộ dân. Sau đó UBND xã đã nhiều lần đề nghị các cơ quan chức năng đo đạc, xác định rõ ranh giới, nhưng đề nghị này chưa được cấp nào "ngó ngàng" tới, vì vậy nội dung tố cáo của người dân chưa được giải quyết triệt để...
Tuy nhiên, khác với cách giải thích của cán bộ xã Đại Mỗ, trong các văn bản giải quyết của các cơ quan chức năng từ năm 2008 như: UBND huyện Từ Liêm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… đều khẳng định ngôi nhà ông Vinh xây dựng (khoảng 70m2) đã xâm phạm vùng bảo vệ I của di tích, vi phạm điểm a, khoản 1 Điều 32 Luật Di sản văn hóa năm 2001; vi phạm Điều 10 Luật Xây dựng năm 2003; vi phạm khoản 3, Điều 6, Nghị định 126/2004/NĐ-CP ngày 26-5-2004 của Chính phủ… Tại Thông báo số 452/TB-UBND ngày 15-7-2008, UBND huyện Từ Liêm đã giao Thanh tra xây dựng huyện đôn đốc UBND xã Đại Mỗ xử lý công trình xây dựng không phép, trái phép và lập kế hoạch trình UBND huyện Từ Liêm thu hồi đất của các hộ dân đang sử dụng trong khu vực bảo vệ I". Nhưng đến nay văn bản này cũng chưa được thực hiện. Đã 5 năm trôi qua, việc giải quyết vi phạm vẫn "giẫm chân tại chỗ" khiến tình trạng đơn thư khiếu kiện càng phức tạp…
Cách đình Đại Mỗ không xa, chùa Thông (xây dựng từ thế kỷ XIX) cũng trong tình cảnh tương tự. Năm 1980, bà Nguyễn Thị Hiền xây dựng một gian nhà nhỏ sát khuôn viên chùa và mở quán bán hàng. Năm 2006, sư trụ trì chùa Thông xây dựng lại tam quan và cải tạo tường bao. Theo cam kết giữa nhà chùa, các vãi và gia đình bà Hiền thì gia đình bà Hiền dỡ một phần nhà để nhà chùa xây tam quan; diện tích còn lại khoảng 25m2, UBND xã Đại Mỗ cho phép bà Hiền khôi phục lại nhà cấp 4 cũ, không được xây dựng nhà 2 tầng. Không đồng thuận với cách giải quyết của chính quyền xã, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Từ Liêm yêu cầu giữ nguyên hiện trạng khu đất, đề nghị xã phối hợp với phòng, ban chuyên môn của huyện làm rõ cơ sở pháp lý, trả lại cảnh quan cho chùa Thông. Điều khó hiểu là tại thời điểm này, cơ quan chức năng đang hoàn thiện hồ sơ khoa học, hồ sơ pháp lý trình UBND thành phố ra quyết định xếp hạng di tích cho chùa Thông, vậy nhưng công trình của gia đình bà Hiền vẫn không bị xử lý dứt điểm, vậy hồ sơ xếp hạng di tích đối với chùa Thông chưa được cấp có thẩm quyền xem xét. "Tranh thủ thời cơ", giữa năm 2010, con gái bà Hiền là chị Vũ Thị Thảo xây dựng thêm một gian nhà khoảng 20m2 liền kề công trình cấp 4 cũ. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà mãi đến ngày 14-5-2013, Chủ tịch UBND xã Đại Mỗ mới ban hành Quyết định cưỡng chế dỡ bỏ công trình vi phạm. Mặc dù vậy, thêm một lần nữa quyết định này lại "nằm trên giấy", và công trình vi phạm TTXD, lấn chiếm khuôn viên di tích vẫn ung dung tồn tại, không được xử lý dứt điểm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.