(HNM) - Thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, huyện Chương Mỹ đã tập trung dồn điền, đổi thửa, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy vậy, nông dân vẫn gặp không ít khó khăn nên chưa thể mở rộng quy mô sản xuất...
Trang trại trồng bưởi Diễn của hộ anh Trần Văn Mạnh thuộc khu đồng chuyển đổi của xã Trần Phú rộng 5.000m2 trước đây trồng độc canh cây sắn. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình anh đã trồng 250 gốc bưởi Diễn và vụ bưởi vừa qua cho thu nhập 200 triệu đồng. "Năm qua bưởi mất mùa, số lượng quả giảm, giá bưởi không cao. Đầu vụ, bán giá 30 nghìn đồng/quả, cuối vụ chỉ còn 20 nghìn đồng/quả. Tuy vậy, thu nhập từ trồng bưởi vẫn cao hơn nhiều so với trồng các cây khác" - anh Mạnh cho biết.
Mô hình hoa lan xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Bá Hoạt |
Theo Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng, không riêng các hộ dân xã Trần Phú, thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, huyện Chương Mỹ đã quy hoạch lại đất đai, vùng sản xuất chăn nuôi tập trung nên thuận lợi cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được gần 1.300ha, trong đó: 425 trang trại cho doanh thu 600 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/năm và hơn 600 gia trại cho thu nhập cao. Ngoài ra, toàn huyện hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh quy mô lớn như: Sản xuất lúa hữu cơ ở xã Đồng Phú; trồng cây ăn quả bao trái sinh học thị trấn Xuân Mai; mô hình hoa lan, hoa ly xã Thụy Hương; chăn nuôi tập trung xã Lam Điền, Đại Yên cho thu nhập khá.
Tuy vậy, sản xuất nông nghiệp Chương Mỹ đang gặp không ít khó khăn khiến người dân lúng túng trong việc mở rộng quy mô sản xuất. Đơn cử, nhiều nơi người dân chưa được hướng dẫn cụ thể cho từng loại mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thị trường tiêu thụ nông sản cũng chưa ổn định, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất còn nhiều hạn chế... Tại xã Trần Phú, dù đã có quy hoạch vùng trồng bưởi với diện tích hàng chục héc ta nhưng nhiều năm nay chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thành thử việc vận chuyển nông sản bằng xe cơ giới khó khăn. "Chúng tôi mong thành phố đầu tư làm tuyến đường giao thông để thuận lợi cho việc vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp và xây dựng kênh mương tưới nước cho cây trồng" - anh Mạnh đề nghị.
Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên Đặng Đình Tiên cho biết, trang trại của công ty đang nuôi 60.000 gà thịt và đẻ trứng trên địa bàn huyện Chương Mỹ nhưng gặp khó khăn là làm thế nào để chiếm lĩnh thị trường. "Chúng tôi có nguyện vọng đầu tư xây dựng khu giết mổ tập trung để khép kín chuỗi từ sản xuất, chế biến đến khâu tiêu thụ. Tuy vậy, đề nghị mãi vẫn chưa được ngành chức năng cấp phép" - ông Tiên cho biết thêm.
Trên thực tế, hiện nay, một số trang trại trên địa bàn thành phố cũng đang lâm vào cảnh thiếu vốn, mặt bằng sản xuất như các hộ dân ở huyện Chương Mỹ. Có trang trại giá trị hàng tỷ đồng nhưng khi vay vốn chỉ vay được vài chục triệu nên bà con khá lúng túng trong đầu tư. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt, về việc này, chính quyền phải chủ động liên hệ với các ngân hàng thương mại để tháo gỡ giúp dân. Thành phố đã có cơ chế, chính sách khá cụ thể, các sở, ngành liên quan phải tạo điều kiện tốt nhất thu hút đầu tư vào nông nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.